Để tiên đoán một quốc gia hưng thịnh hay diệt vong, người xưa có rất nhiều phương pháp. Họ có thể căn cứ vào quẻ tượng để tiên đoán, cũng có thể nhìn vào thực trạng hiện tại của quốc gia để suy luận, và thông thường những cách này đều tương đối chuẩn xác. Trong sách “Lã Thị Xuân Thu” có chép lời của Thương Thánh Bạch Khuê rằng, một quốc gia nếu mất đi năm điều thì tất sẽ bị diệt vong.

Bậc trí giả "được" không cao hứng, "mất" không sầu bi
(Ảnh minh họa: Aphotostory, Shutterstock)

Thời kỳ Chiến Quốc, Bạch Khuê người Lạc Dương, là một thương nhân lớn. Theo sách “Hán Thư” ghi chép lại, ông là một thương gia nổi tiếng, được xem là “Thương Thánh”, dân gian tôn ông là “Đệ nhất thương nhân”. Hoàn cảnh kinh doanh trong xã hội thời Bạch Khuê đã phát triển, những chuyện đầu cơ tích trữ, cho vay nặng lãi là thường. Nhưng Bạch Khuê vẫn nhất mực gắn liền đạo đức với chuyện kiếm tiền sinh lời. Ông muốn việc kinh doanh phải đem lại lợi ích lâu dài cho nhiều người, chủ trương kinh tế vận hành tuần hoàn, bình ổn. Thứ nào được mùa, sản lượng nhiều thì ông mua tích trữ để đến lúc mất mùa, thiếu hụt thì đem ra bán lại đúng giá cho mọi người. Bởi vì học Đạo, có trí huệ thâm sâu, minh tường thiên văn, dự trù được thiên tai nên ông luôn có sự chuẩn bị trước.

Bạch Khuê không chỉ tinh thông đạo kinh doanh mà còn tinh thông đạo trị quốc. Khi làm quan ở nước Ngụy, Bạch Khuê nổi bật về tài năng trị thủy, chăm lo đê điều sát sao đến mức chỉ cần thấy một tổ kiến nhỏ là lập tức cho sửa sang ngay. Đây cũng là nguồn gốc của câu “thiên lý chi đê, hội vu nghĩ huyệt” (đê dài ngàn dặm có thể bị hủy bởi tổ kiến); trong Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi cũng nhắc “tổ kiến hổng sụt toang đê vỡ” chính là xuất phát từ điển tích đó.

Về sau Bạch Khuê rời khỏi nước Ngụy, đến nước Trung Sơn và nước Tề. Từ thực trạng của nước Ngụy và nước Tề, ông kết luận rằng hai nước này tất sẽ tiêu vong.

Trong sách “Lã Thị Xuân Thu. Tiên Thức” ghi lại: Bạch Khuê đi vào nước Trung Sơn, vua nước Trung Sơn giữ ông lại nhưng ông kiên quyết từ chối và lên xe rời đi. Rồi Bạch Khuê đi vào nước Tề, vua nước Tề muốn giữ ông lại nhưng ông tiếp tục từ chối và rời khỏi nước Tề. Có người khó hiểu, hỏi ông nguyên do vì sao vua hai nước đối đãi với ông tốt như vậy mà ông lại quyết định rời đi.

Bạch Khuê nói rằng:

Hai nước này có dấu hiệu suy vong. Nhìn thấy thông qua năm điều [ngũ tẫn]. “Ngũ tẫn” đó là gì? Chẳng có việc gì hoàn thành, uy tín đã đến chót; không lắng nghe lời khen chê, danh dự đã đến chót; không có nhân ái, thân tình đã đến chót; người đi đường xa chẳng có lương khô, người ở lại nhà chẳng có thực phẩm, tài lực đã đến chót; không có khả năng dùng người, lại chẳng có khả năng tự nỗ lực, công lao sự nghiệp đã đến chót. Quốc gia mà xuất hiện năm loại sự tình ấy, thì phải diệt vong.

Nói ngắn gọn lại, “Ngũ tẫn” theo như lời Bạch Khuê chính là tín, danh, thân, tài, công. Nếu năm điều này đều đã đến cuối cùng rồi thì triều đại sẽ suy vong. Trên thực tế, “tín, danh, thân, tài, công” chính là năm yếu tố trụ cột trong đạo cai trị thời cổ đại.

“Tín” là yếu tố cơ bản nhất của sự tồn vong một quốc gia. Một quốc gia đánh mất lòng tin của dân chúng thì tất sẽ tiêu vong.

“Danh” là tiếng tăm của người thống trị và quốc gia. Người có danh tiếng xấu thì tất sẽ không thể tồn tại được lâu dài.

“Thân” là lòng người với nhau, mất đi lòng người với nhau thì thiên hạ còn lý nào lo cho triều đình nữa.

“Tài vật” là nền móng để một quốc gia tồn tại. Một quốc gia không còn đủ tài vật thì sẽ không thể tồn tại.

“Công” là chỉ kiến công lập nghiệp. Một quốc gia mà người cai trị không biết sử dụng nhân tài, bản thân lại không có tài đức, công lao thời kiến lập đất nước trong lòng dân đã phai nhạt rồi, quốc gia ấy tất không thể giàu mạnh, ổn định và hòa bình lâu dài thêm được nữa.

Trong sách “Lã Thị Xuân Thu” cũng bổ sung rằng, nếu vua của nước Trung Sơn và nước Tề nghe được “ngũ tẫn” này mà kịp thời sửa đổi thì đất nước sẽ không bị tiêu vong nữa. Nhưng vấn đề của họ là không nghe được những đạo lý này, hoặc cho dù nghe được cũng lại không tin. Bởi vậy điều quan trọng bậc nhất mà một vị minh quân cần có chính là biết lắng nghe ý kiến.

Sau khi rời Trung Sơn và Tề, Bạch Khuê lại đi đến nước Tần, một nước đang nổi lên mạnh mẽ, lúc này cai trị bằng Pháp gia. Nhận thấy nền cai trị này quá hà khắc, thiếu sự khoan dung nên Bạch Khuê lại rời đi. Trải qua hành trình các nước như vậy, Bạch Khuê liền từ bỏ việc làm quan, mà chú trọng việc kinh doanh, thương mại. Mặc dù vô cùng thành công và giàu có nhưng Bạch Khuê lại sống đạm bạc, chí đặt ở Đạo, để lại những nền tảng trọng yếu về đức hạnh cho người kinh doanh sau này.

Còn về số phận của hai nước Trung Sơn và Tề thì cũng không nằm ngoài lời tiên đoán của Bạch Khuê. Sau năm lần nước Trung Sơn cắt đất nhường cho nước Triệu thì bị nước Triệu tiêu diệt.

Tề Vương cao ngạo, nước Tề hùng mạnh, ấy vậy mà nước Yên nhỏ bé lại có thể dẫn đầu liên quân 5 nước, đại phá quân Tề, khiến quân Tề chỉ còn biết co cụm trong hai thành trì nhỏ. Vua Tề bị người giết chết, con phải ẩn mình trong dân gian làm người hầu, vô cùng tủi nhục.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: