Năm 1835, vua Minh Mạng sáp nhập các vùng đất của đất Ai Lao (tức Lào ngày nay), hầu hết phần đất của Campuchia, diện tích nước Việt rộng 575.000 km2 tức gấp 1,7 lần so với Việt Nam bây giờ. Trước sự lớn mạnh của đất nước, năm 1839, vua Minh Mạng cho đổi tên nước từ Việt Nam thành Đại Nam. Nhà Vua cũng chủ trương dùng luật pháp nghiêm khắc nhằm trị vì lãnh thổ rộng lớn của mình.

Thượng tôn pháp luật thời vua Minh Mạng
Vua Minh Mạng. (Tranh: Journal of an Embassy to the Courts of Siam and Cochin-China, John Crawfurd, Wikipedia, Public Domain)

Xử phạt nghiêm quan lại phạm tội

Vua Minh Mạng sử dụng Bộ luật Gia Long để trị lý, công minh không phân biệt sang hèn, Hoàng thần quốc thích hay quan lại quyền quý, nhiều sự việc được ghi chép lại trong “Đại Nam thực lục”.

Một ví dụ là Lý Hữu Diệm làm quan trong phủ Nội Vụ, ăn cắp của quốc khố một lạng vàng. Tuy số vàng ăn cắp không lớn, nhưng theo luật thì đã ăn cắp quốc khố là bị đem chém. Bộ Hình thấy Hữu Diệm làm quan có công nên chỉ xử lưu đày viễn xứ. Khi tâu lên, vua Minh Mạng không đồng ý, không vì làm quan mà giảm tội, yêu cầu xử chém theo đúng luật, đưa ra chợ Đông xử cho nhiều người thấy để làm gương.

Một viên quan trong nội phủ ăn bớt của công, bị cách chức, cũng bị chặt một cánh tay để răn đe kẻ khác.

Có năm vùng Quảng Nam bị thiên tai, dân chúng đói kém, Vua cho phát thóc cứu dân. Lý trưởng Đặng Văn Diễn bán thóc lấy tiền cho riêng mình, lập tức bị xử trảm.

Quảng Trị cũng có năm đói kém, Vua cho bán thóc trong kho cho dân chúng, nhưng các quan địa phương tự ý phân loại ưu tiên cho nơi được mua nhiều, mua ít, khiến cho 211 xã không mua được thóc. Vua biết được cho cách chức và bắt giam các quan này.

Xử phạt nghiêm người trong dòng tộc

Vua Minh Mạng rất quý các em mình, hay cử người đến hỏi thăm, khi rảnh việc Triều chính thì hay ghé phủ đệ. Tình huynh đệ là vậy nhưng trước pháp luật thì Vua cũng công minh, phạt tội cả dòng tộc thân thích, đều chiểu theo luật định.

Thượng tôn pháp luật thời vua Minh Mạng
Lăng vua Minh Mạng. (Ảnh: Tim Hill, Flickr, Wikipedia, CC BY-SA 2.0)

Năm Minh Mạng thứ 4 (1823), hoàng tử thứ 5 của vua Gia Long và cũng là em kế vua Minh Mạng là Kiến An vương Nguyễn Phúc Đài sai thuộc hạ trong phủ của mình là Lê Văn Quát đi Hà Nội mua ngựa.

Quát đến Cao Bằng, ỷ vào uy thế của Kiến An vương yêu sách dân chúng. Tuần phủ Lạng Sơn là Hoàng Văn Quyền báo tin cho Vua biết. Vua theo luật định đem Lê Văn Quát ra xử tử, Kiến An vương Nguyễn Phúc Đài cũng bị cắt bổng lộc một năm.

Hoàng tử thứ 8 của vua Gia Long, em của vua Minh Mạng là Nguyễn Phúc Phổ được phong là Điện Bàn công, tự làm ấn tín riêng trong phủ, sắp đặt quan chức. Năm 1826, Điện Bàn công lo việc bị phát giác nên đến nhận tội với Vua.

Vì Điện Bàn công tự đầu thú nhận tội nên Vua giảm nhẹ bớt hình phạt, cho dẹp bỏ hết thuộc binh của Điện Bàn công, cắt bổng lộc 3 năm và không cho vào chầu như trước. Vua xuống dụ rằng:

“Ngươi có tính ngu tối đến đỗi bị kẻ không ra người làm mê hoặc, nhiều việc làm càn, suýt nữa mắc vào tội lớn. Nghĩ tới chuyện ấy, khiến ta não lòng, tức giận không thôi. Sau này nếu cố sức mưu tính làm điều thiện, trẫm cũng lượng ra ơn cho. Nếu thói cũ, không chữa tất phải quyết đoán bằng nghĩa lớn. Nhất định không thể vì ngươi mà bẻ cong pháp luật được. Ngươi phải ngày đêm răn sợ xét mình, sớm hôm hối hận cải lỗi”.

Con của vua Gia Long là Định Viễn công Nguyễn Phúc Bính một lần cho gọi thợ làm mũ đến để chế làm mũ con hát. Nhưng vì hôm đó mưa to gây lụt nên người thợ không đến được. Nguyễn Phúc Bính tức giận, ỷ quyền thế cho bắt người thợ đánh một trận. Quan địa phương tâu lên, dù không phải việc lớn nhưng vua Minh Mạng không bỏ qua, trách phạt Nguyễn Phúc Bính: “Lỗi lần này anh tạm tha cho, nếu còn lại như thế thì có phép công, cuối cùng không thể lấy tình riêng mà bỏ phép nước được”. Vua lại cho thay cai đội trong phủ để không làm bậy nữa.

Con thứ 10 của vua Gia Long là Quảng Oai công Nguyễn Phúc Quân thích săn bắn, sai thuộc hạ cưỡng bức lấy chó săn trong dân chúng. Vua biết chuyện và không bỏ qua chuyện này, trách phạt Quảng Oai công, phạt đánh trượng lũ thuộc hạ và đưa đi sung quân ở Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam.

Vua Minh Mạng dùng luật pháp giữ kỷ cương phép nước, nghiêm khắc ngay cả với anh em dòng tộc, không cho làm càn, chuyện dù nhỏ nhưng Vua cũng đích thân xử phạt không bỏ qua, các quan lấy đó làm gương không dám nhũng nhiễu dân chúng.

Vua Minh Mạng được lịch sử đánh giá là vị Vua có nhiều thành tích dưới thời nhà Nguyễn. Đây cũng là thời kỳ hùng mạnh cuối cùng của chế độ quân chủ ở Việt Nam.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: