Chúng ta không chỉ nghe, nói, đọc, hát tiếng mẹ đẻ,
mà chúng ta thương, yêu, quý, trọng tiếng mẹ đẻ của chúng ta!
Nhưng có nhiều cách thương trên đời này, vì chuyện thương, yêu, mến, mộ
cũng là chuyện của trình độ của thức,
trong đó kiến thức xây tri thứcý thức dựng nhận thức.

Tiếng mẹ đẻ: Tư tưởng quảng bá

Vào thế kỷ thứ XVIème, Irak là một quốc gia với văn minh cao, dân tộc trên quốc gia này biết sáng lập ra: ngôi nhà minh triết (maisons de la sagesse), tại đây những người yêu ngôn ngữ tụ họp lại để dịch ra tiếng mẹ đẻ từ các tác phẩm tới từ các ngoại ngữ, và ngày ngày họ sống qua dịch thuật, họ đưa cái hay, đẹp, tốt, lành bên ngoài vào tiếng mẹ đẻ của họ, rồi họ giới thiệu cái cao, sâu, xa, rộng trong văn minh của họ tới nhân loại qua con đường dịch thuật. Đa ngữ không làm họ hoảng sợ, họ tìm hiểu sự đa dạng của ngôn ngữ qua từng châu lục, qua từng quốc gia, qua từng sắc tộc, như đi tìm sự đa tài, đa trí, đa năng, đa hiệu của nhân loại, để vượt qua sự khác biệt ngay trong ngôn ngữ. Họ thật thông minh, vì công việc của họ trong ngôi nhà minh triết này rất đa nguyên trong sáng suốt, họ quảng bá các ngôn ngữ như quảng bá các tư tưởng đa chiều, đa dạng, đa diện. Họ không kỳ thị với ngôn ngữ này, họ không bài thị các văn hóa kia, họ không phân biệt đối xử với dân tộc nọ; ngày ngày họ làm giàu cho tiếng mẹ đẻ, tháng tháng rồi năm năm tiếng mẹ đẻ của họ biết mở-lòng-để-sáng-lòng với nhân tri của nhân loại. Họ tham gia cụ thể trong việc dụng nhân trí trong ngôn ngữ để làm sáng nhân tính trong nhân sinh, họ đại diện cho nhân đạo trong nhân lý để thăng hoa nhân vị, không những cho họ mà cho cả nhân thế.

Tiếng Việt đậm đà tâm hồn Việt - P2: Tiếng mẹ đẻ: Tư tưởng quảng bá
Ngôi nhà minh triết (maisons de la sagesse). (Tranh qua Wikipedia)

Hãy kể cho tôi nghe bạn đối xử thế nào với tiếng mẹ đẻ của bạn, rồi bạn đối xử thế nào với tiếng mẹ đẻ của người khác, tôi sẽ nói cho bạn nghe bạn là loại người nào? Nhân sinh quan của bạn là gì? Thế giới quan của bạn vì ai? Vũ trụ quan của bạn rộng cỡ nào?

Câu chuyện ngôi nhà minh triết không bao giờ lỗi thời, hãy đi từ cổ sử, cổ triết của Hy Lạp tới sử hiện tại và triết đương đại của thế giới hiện nay, để cùng nhau đào sâu câu chuyện nâng niu tiếng mẹ đẻ bằng dịch thuật những thứ tiếng khác của nhân loại, mà tôi xin gọi là: ngôi nhà ngôn ngữ dân chủ, với lời khuyên của Aristote: “Dân chủ vẫn là một chế độ ít xấu nhất, và cái đáng yêu của dân chủ chính là sinh hoạt picnic, hẹn với nhau để được cùng nhau ăn uống ngoài trời, nơi mà mỗi người mang phần ăn của mình lại để được ăn chung với người khác, chính sự đa dạng của nhiều món trong cùng bữa ăn chung này làm giàu nhân sinh quan cho từng cá nhân”, có cái chung thì con người sẽ có hòa bình trong thái hòa, như lời tổ tiên Việt đã dạy con cái Việt: trong ấm ngoài êm, mà tránh đi các thảm họa kiểu thế chiến trong thảm cảnh dân tộc này sống để diệt dân tộc kia. Trong tác phẩm Chúng tôi dân tỵ nạn, nơi mà tác giả là triết gia Arendt đã thấy đồng hương Do Thái của mình bị Đức quốc xã tiêu diệt, bản thân bà phải làm kẻ tị nạn, tha phương cùng trời cuối đất, bà đã dặn dò chúng ta: «Hãy cẩn trọng, vì trong thế chiến vừa qua lịch sử nhân loại đã cho ra đời hai loại người mới: loại thứ nhất là những kẻ đưa kẻ khác vào các trại tập trung để thảm sát khi họ coi kẻ khác như tử thù; loại thứ hai là những kẻ bỏ nhốt người thân của mình vào các bịnh viện tâm thần, rồi xếp loại người thân của mình là kẻ điên».

Câu chuyện tiếng mẹ đẻ từ đây sẽ đi theo hai hướng ngược nhau, hãy trở về cổ sử của cổ triết Hy Lạp để hiểu chỉ một từ mà làm cả nên hệ thống triết học của phương Tây, một từ không sao dịch được ra tiếng Việt: logos, vì cùng một từ mà nó vừa là tham luận vừa là lý lẽ, vừa là lời nói vừa là lý luận, nơi mà lời để được nói nên lời. Nhưng cũng ngay trên đất nước Hy Lạp này có một chữ cũng không sao dịch được, đó là: blah- blah- blah, để vừa chọc, vừa để kể là kẻ lạ tới từ đâu đó xa lắm và khi kẻ lạ này nói một thứ tiếng mà người Hy Lạp không hiểu gì cả! Và khi người Hy Lạp thuở xưa không hiểu kẻ lạ muốn nói gì, thì họ “nhái” là: blah- blah- blah. Và từ đây, họ cho ra đời chữ: barbare (kẻ mọi rợ, kẻ man di), kẻ lạ chưa biết văn minh vì chưa có văn hiến… Hãy lấy một thí dụ ngược lại trong ngôn ngữ khác là tiếng Pháp, có chữ: hôte, để chỉ người vừa là kẻ tiếp người lạ, vừa là kẻ được người lạ tiếp, tức là kẻ vừa đón mà cũng là vừa được tiếp cùng lúc. Tiếng mẹ đẻ biết tiếp tiếng lạ, để được tiếng lạ tiếp lại mình; cái hay của ngôn ngữ làm nên cái khôn trong đối nhân xử thế là biết sống chung trong sự tôn trọng lẫn nhau, cùng nhau vượt qua sự khác biệt, rồi còn biết dùng sự khác biệt để làm giàu cho nhau.

Đừng đóng khuôn, đừng trói buộc, đừng xây dựng nhà tù ngay trong tiếng mẹ đẻ của mình, theo cách nói hẹp hòi: “Chỉ có người Việt mới hiểu hết tiếng Việt”, chúng ta biết rõ là có những nhà ngôn ngữ học ngoại quốc nghiên cứu xuất sắc về Việt ngữ, và khi họ nói tiếng Việt thì họ phát biểu cũng sắc nhọn như các vị thâm nho Việt trong Việt ngữ. Để từ đây ta có được một nhân sinh quan vừa rộng, vửa mở, không chỉ có người Việt là sở hữu chủ độc nhất của tiếng Việt, mà tiếng Việt còn là tài sản chung của nhân loại, vì người Việt biết đóng góp cho nhân loại kho tàng tiếng mẹ đẻ của mình, như lời của Nguyễn Công Trứ: “Kho trời chung mà vô tận của mình riêng!”. Cụ thể là ta cứ tiếp tục thương tiếng mẹ đẻ như nhạc sĩ Phạm Duy: “Tôi yêu tiếng nước tôi tự khi mới ra đời người ơi”, nhưng ta cũng phải thông minh như Bùi Giáng đã dặn: “Đã mở cõi thì đừng có ngăn miền”. Hãy bảo vệ tiếng mẹ đẻ trong tỉnh táo để sáng suốt song hành cùng phân tích của Bachelard, một nhà khoa học luận uyên bác khi yêu thi ca, sáng suốt khi đưa lập luận để bảo vệ tiếng mẹ đẻ của mình: “Tiếng mẹ đẻ là ngôn ngữ biết đi tìm cảm xúc, lại biết diễn đạt được cái đang tới và cái sẽ tới; vì thế tiếng mẹ đẻ làm nên các chủ thể biết diễn đạt các ý nghĩa của cuộc sống, vì biết thăng hoa các kinh nghiệm của tổ tiên mình giữa nhân sinh”.

Tiếng mẹ đẻ: tri-tưởng-nghệ

Chomsky, nhà ngôn ngữ học được xem là có các công trình ảnh hưởng sâu rộng nhất trong giới học thuật về nguồn gốc của tiếng nói và chữ viết, ông đề nghị với chúng ta hai phân tích sau đây khi chúng ta xét nghiệm tiếng mẹ đẻ:

• Ngôn ngữ mang trật tự của một cấu trúc chỉnh lý, trong đó tiếng mẹ đẻ biết thu gọn mọi kinh nghiệm để dồn vào một cơ cấu, từ đó xây dựng câu chữ cho truyền thông, giúp các thành viên cùng một tiếng nói các câu chữ này được xây dựng trên một cơ cấu trật tự của tự truyện có mặt vừa trong lịch sử, vừa trong huyền sử. Đối với Việt tộc, ta thấy rõ ngay trong thượng nguồn lập quốc của Việt tộc có Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ đẻ ra trăm trứng, đi song hành với các lịch-huyền sử khác: Sơn Tinh Thủy Tinh, Thạch Sanh…

• Quan hệ giữa ngôn ngữ, chính trị, xã hội luôn là quan hệ khắng khít, vì ngôn ngữ có mặt trong mọi sinh hoạt xã hội, được sử dụng trong nhiều tình huống rất khác nhau, như công cụ của tri thức mà cũng giúp điều khiển các mục đích của từng cá nhân trong cuộc sống. Thí dụ như chữ nhân được Nguyễn Trãi sử dụng theo cách của ngài, trong đó quân sự có gốc của chính nghĩa, chính trị có trí tuệ: “Lấy nhân nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”.

Khi Chomsky, đưa ra hai phân tích trên, ông đề nghị chúng ta suy nghĩ thêm hai định đề khác:

• Quan hệ giữa ngôn ngữý thức là sự hình thành của cảm nhận như kết quả vừa bình thường, vừa huyền hoặc của ngôn ngữ, ông thường lấy thí dụ sự hình thành của một hạt tuyết, như một tuyệt tác của khí trời. Một sự hình thành có được nhờ các điều kiện của khí hậu, từ chất hơi vô tướng tới một hữu thể có tướng, có dạng; và hạt tuyết chỉ xuất hiện trong bối cảnh khi mà các điều kiện khí hậu được hội tụ đúng lúc, và hạt tuyết sẽ tan khi các điều kiện khí hậu này không còn nữa. Nhận xét trên đúng cho tuyệt tác Truyện Kiều, của Nguyễn Du, nơi mà tiếng mẹ đẻ của Việt tộc có sung lực sử dụng trạng động từ ở dạng nghệ thuật ngôn ngữ cao và đẹp, thí dụ: sè sè nắm đất bên đường; ào ào đổ lộc rung cây; nao nao giòng nước uốn quanh, tà tà bóng ngã về tây… Và sau thế kỷ XVIII của Nguyễn Du, thì sè sè, ào ào, nao nao, tà tà… từ từ mất dạng, vắng diện trong thi ca; đỉnh cao của trạng động từ xem chừng đi xuống chớ không đi lên, xem chừng bị tan như tuyết mà ta chưa thấy các hạt tuyết mới nào, như chưa ta thấy các tuyệt tác mới được cấu trúc từ năng khiếu tiếng mẹ đẻ qua trạng động từ kiểu này.

• Quan hệ giữa ngôn ngữtư tưởng lại là một lỗ hổng lớn, chúng ta có nhiều tin tức về ngôn ngữ, nhưng lại ít tin tức về tư tưởng, chúng ta thấy ngôn ngữ xuất hiện trong sự hình thành rồi trưởng thành của nó qua truyền thông rồi qua sự trao truyền kiến thức giữa các thế hệ, mà chúng ta không thấy được rõ ràng, rành mạch như vậy qua sự hình thành rồi trưởng thành của một tư tưởng. Có một khuynh hướng hiện nay trong học thuật tự xem tư tưởng và ngôn ngữ chỉ là một; tại đây thì khoa học tri thức, tức là khoa học thần kinh và não bộ, cũng chưa cho chúng ta biết gì nhiều về sự quan hệ giữa ngôn ngữ và tư tưởng qua ý thức, qua nhận thức. Nhưng chúng ta biết rõ một điều là ngôn ngữ không những biết chứa đựng để chuyển tải tư tưởng, mà ngôn ngữ còn biết mài, dũa, tôi, luyện tư tưởng. Khi tiếng Việt chuyển tư tưởng tình thương của Phật giáo bằng một cấu trúc rất gọn qua bốn từ: từ, bi, hỷ, xả, thì nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã dùng nghệ thuật của ngôn ngữ để đi thêm một bước nữa, từ đó để tạo ra sự hội tụ giữa tình yêu chỉ của hai người đã biết nhập nội vào tình thương với muôn loài của từ, bi, hỷ, xả qua ca từ: “Yêu em lòng chợt tự bi bất ngờ”.

Tiếng mẹ đẻ làm được ít nhất ba chuyện: đón nhận ta rồi giúp ta hội nhập vào các giá trị văn hóa của tổ tiên qua định vị về địa lý ngay trên lý lịch của ta (quê mẹ, quê cha, đất tổ, nơi chôn nhau cắt rún…). Từ đó, tiếng mẹ đẻ giúp ta tư duy ngay trên kiếp làm người của ta (nắng sớm chiều mưa, sớm nở tối tàn, sống nay chết mai…), tư duy về nhân kiếp để biết trân quý nhân cách. Kế đến, tiếng mẹ đẻ nâng niu từng đứa con, dìu dắt các đứa con tùy vào trình độ của mỗi đứa trong sự liên kết để kết đoàn: sự khác nhau của: bàn tay có ngón dài ngón ngắn trong cái tương trợ: anh em như thể tay chân; sự khác lạ ngay trong: cha mẹ sinh con, trời sinh tính, luôn được trợ lực qua không gian hằng ngày của: chị ngã em nâng, luôn được trợ duyên trong thời gian dài của kiếp người với: anh em như thể tay chân.

Câu chuyện thăng hoa đôi của tư tưởng và của nghệ thuật qua ngôn ngữ, giúp ta nhận ra tiếng mẹ đẻ trao tặng cho ta một tiềm năng biết kể chuyện rất tự nhiên bằng các công cụ ngôn ngữ rất dễ-dùng-vì-dễ-hiểu đã có sẵn từ khi mẹ đẻ ra ta. Khi chúng ta kể thoái mái câu chuyện: Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ đẻ ra trăm trứng, thì chúng ta cũng kể trong thư thái các chuyện: Sơn Tinh Thủy Tinh, Thạch Sanh chém chằng, ta kể luôn trong thong dong các chuyện khác như: Tấm Cám, Quan Âm Thị Kính. Chúng ta sử dụng tiếng mẹ đẻ như một ngôn ngữ không những dễ-dùng-vì-dễ-hiểu, mà tiếng mẹ đẻ còn giúp chúng ta dễ-đối-nhân-để-dễ-xử-thế trong khả năng dùng ái ngữ có ngay trong ngạn ngữ, ca dao, dân ca: “lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.Tiếng mẹ đẻ có tác dụng tức khắc và lâu dài khi nó dặn ta: giận mất khôn, trong đạo lý: ở sao cho vừa lòng người, trong không gian rộng và thời gian dài: ăn ở có hậu, vì triệt hậu tức là hết đường sống! Chúng ta tránh dùng các từ ngữ khó-dùng-vì-khó-nghe, và để quan hệ xã hội được xuôi như những dòng chảy để sinh hoạt xã hội được thuận buồm xuôi gió; mà cũng để ta không bị kẻ khác xem là: lộng ngôn, loạn ngữ, đây là các từ dùng cho những kẻ tâm dại, trí điên.

Lê Hữu Khóa
Tác giả gửi Trí Thức VN

Lê Hữu Khóa: Giáo sư Đại học * Giám đốc Anthropol-Asie * Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á * Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO-Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris * Thành viên hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Đông Nam Á * Hội viên danh dự ban Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới.

Các bài viết của tác giả có thể tìm được trên facebook Vùng Khả Luận.

Xem thêm: