Hàng nghìn năm nay, Tứ Thư Ngũ Kinh đã khai mở thể ngộ của con người về tự nhiên, vũ trụ, những nhận thức sâu sắc trong triết lý nhân sinh, những hiểu biết về nhân luân thiên lý. Chúng cung cấp trí huệ và kinh nghiệm trong việc tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Trong đó những câu cách ngôn kinh điển, lời vàng ý ngọc, cùng những thành ngữ điển cố tới nay vẫn xuất hiện khá nhiều trong thư tịch văn hoá.

Vài câu cách ngôn kinh điển trong Tứ Thư Ngũ Kinh
(Tranh: Thomas Allom, Wikipedia, Public Domain)

Nhân thuỳ vô quá, quá nhi năng cải, thiện mạc đại yên. (Tả Truyện)

Dịch văn: Ai là người không phạm phải lỗi lầm? Biết sai mà sửa thì chính là đại hảo sự.

Cư an tư nguy, tư tắc hữu bị, hữu bị vô hoạn. (Tả Truyện)

Dịch văn: Phải cảnh giác khi ở trong hoàn cảnh an lạc, phải nghĩ tới những hiểm nguy có thể xảy đến, nghĩ tới mới có sự phòng bị, phòng bị sẽ có thể tránh được hoạ hại.

Nhị nhân đồng tâm, kỳ lợi đoạn kim. Đồng tâm chi ngôn, kỳ xú như lan. (Kinh Dịch)

Dịch văn: Hai người đồng lòng, như dao sắc có thể chặt đứt kim loại. Lời nói đồng lòng như hoa lan ngát hương nơi núi sâu.

Cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu. (Kinh Dịch)

Dịch Văn: Khi một điều không thông thuận thì ắt phải thay đổi, sau khi thay đổi sẽ đột nhiên thông thuận, thông thuận mới có thể dài lâu.

Kiến thiện tắc thiên, hữu quá tắc cải. (Kinh Dịch)

Dịch văn: Gặp điều thiện thì nên học tập, có lỗi lầm thì sửa chữa.

Quân tử dụ ư nghĩa, tiểu nhân dụ ư lợi. (Luận Ngữ)

Dịch văn: Điều người quân tử tỏ là đạo đức, lễ nghĩa; điều kẻ nhân hiểu là tiền tài, lợi ích.

Tri chi vi tri chi, bất tri chi nhi bất tri, thị tri dã. (Luận Ngữ)

Dịch văn: Biết thì nói là biết, không biết thì nói là không biết, như vậy mới được coi là thực sự biết. Đây chính là thái độ đúng đắn khi đối đãi với sự việc.

Học nhi bất tư tắc võng, tư nhi bất học tắc đãi. (Luận Ngữ)

Dịch văn: Chỉ đọc sách mà không suy ngẫm sẽ cảm thấy u mê, không hiệu quả; chỉ suy nghĩ mà không đọc sách, đôi khi sẽ suy nghĩ viển vông, chẳng thể phá mê.

Hiếu học nhi hiếu sát nhĩ ngôn, ẩn ác nhi dương thiện, chấp kỳ lưỡng đoan, dụng kỳ trung ư dân. (Trung Dung)

Dịch văn: Thích thỉnh giáo người khác, hơn nữa thích quan sát những lời thiển cận của mọi người, trừ bỏ những thứ tiêu cực, tuyên dương việc thiện của người khác, giỏi nắm bắt hai thái cực của sự việc, áp dụng cách làm thoả đáng cho nhân dân.

Bác học chi, thẩm vấn chi, thận tư chi, minh biện chi, mã hành chi. (Trung Dung)

Dịch văn: Học hỏi tri thức một cách sâu rộng, hỏi han tường tận về nguyên nhân phát triển của sự vật, thận trọng suy nghĩ, phân biệt rõ đúng sai, tiến hành một cách thực tế trong thực tiễn.

Tự thành minh, vị chi tính; tự minh thành, vị chi giáo. Thành tắc minh hĩ, minh tắc thành hĩ. (Trung Dung)

Dịch văn: Nhờ thành khẩn mà minh bạch cái lý của sự việc, đây gọi là thiên tính. Do minh bạch cái lý của sự vật mà thành khẩn, đây là kết quả của giáo dục. Chân thành chính là minh tỏ lý lẽ, có thể hiểu được lý lẽ sẽ có thể làm được chân thành.

Kiệm, đức chi cộng dã, xỉ, ác chi đại dã, nhất nhất. (Tả truyện)

Dịch văn: Tiết kiệm là cái đức lớn nhất trong những mỹ đức, xa xỉ là điều ác lớn nhất trong những việc ác.

Dục tu kỳ thân giả, tiên chính kỳ tâm; dục chính kỳ tâm giả, tiên thành kỳ ý; dục thành kỳ ý giả, tiên chí kỳ tri, trí tri tại cách vật. (Đại học)

Dịch văn: Muốn tu dưỡng thân tâm, trước tiên phải đoan chính lại tâm thái của mình, muốn đoan chính lại tâm thái của mình, trước tiên phải thành thực với chính mình, muốn thành thực với chính mình, trước tiên phải làm phong phú tri thức của mình, muốn làm phong phú tri thức của mình trước tiên phải nghiên cứu nguyên lý xâu xa của sự vật.

Phú nhuận ốc, đức nhuận thân, tâm quảng thể bàn. (Đại học)

Dịch văn: Người giàu trang trí nhà cửa xa hoa, lộng lẫy, người nhân đức trong tâm rộng rãi, thân thể tự nhiên cũng thư thái.

Quân tử hữu đại đạo, tất trung tín dĩ đắc chi, ngạo thái dĩ thất chi. (Đại học)

Dịch văn: Bậc quân tử có đạo rộng lớn của mình, chính là phải dùng Trung, Tín làm đầu; kiêu ngạo quá mức thì sẽ mất đi cái gốc đó.

Thiên Cầm

Xem thêm: