Vào giai đoạn giữa của cuộc chiến tranh Áo – Thổ Nhĩ Kỳ, quân đội Áo đã có một trận nội chiến đầy chết chóc dẫn đến thất bại, mà tất cả nguyên nhân xuất phát chỉ vì rượu Schnapps – một loại rượu có hương vị trái cây phổ biến ở châu Âu.

Trận Karansebes: Quân đội Áo đại bại chỉ vì rượu
Chiến tranh Áo – Thổ thế kỷ 17 (Tranh: Lucas Hochenleitter, Wikipedia, Public Domain)

Giữa cuộc chiến tranh Áo – Thổ, tháng 9 năm 1788, quân đội Ottoman đến thành phố Karansebes và bất ngờ thấy quân Áo trong tình trạng hỗn loạn và yếu đuối sau một cuộc “nội chiến”.

Trận chiến Karansebes giữa những kỵ binh người Áo say xỉn với chính đồng đội của mình đã cho phép quân Ottoman chiếm được thành phố Karansebes mà không gặp bất cứ trở ngại nào.

Những người lính say xỉn

Từ năm 1787 đến năm 1791, quân đội Áo, sau đó là Đế chế Hapsburg, đã chìm trong cuộc chiến Hapsburg-Ottoman hay còn được biết đến là chiến tranh Áo-Thổ, dưới sự lãnh đạo của Hoàng đế Joseph II đang mắc trọng bệnh.

Không những vậy, quân Áo còn được hợp thành bởi những người đến từ các quốc gia khác nhau: Áo, Cộng hòa Séc, Đức, Pháp, Croatia, Serbia và Ba Lan. Vậy nên, quân đội Áo không chỉ lộn xộn, mà còn gặp khó khăn trong cả những giao tiếp tối thiểu.

Vào thời điểm trước khi xảy ra trận chiến Karansebes, người Áo đang chống lại Đế chế Ottoman để nắm quyền kiểm soát sông Danube.

Trận Karansebes: Quân đội Áo đại bại chỉ vì rượu
Bản đồ khu vực tranh chấp giữa Hapsburg và Ottoman, ở giữa là con sông Danube (Tranh: Historische Militärkarte der österreichisch-ungarischen Monarchie, Wikipedia, Public Domain)

Vào đêm 17/9/1788, một nhóm kỵ binh Áo đã thực hiện việc tuần tra trinh sát tình hình binh lính Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đi tuần tra, những người lính này bắt gặp một nhóm du khách dựng trại dọc theo bờ sông. Các du khách mời nhóm binh lính mệt mỏi uống rượu để giải khuây sau một ngày dài thực hiện nhiệm vụ. Những người lính đã nhận lời và bắt đầu uống đến say xỉn.

Khi đang trong cuộc vui, một nhóm lính bộ binh khác tình cờ bắt gặp nhóm người đang uống rượu và đề nghị được tham gia. Kết quả, họ bị từ chối và một trận ẩu đả đã xảy ra. Chẳng bao lâu, xung đột leo thang và đã có tiếng súng nổ.

“Nội chiến” Karansebes

Trở lại với thành phố Karansebes, nơi không có việc uống rượu, không đánh nhau và cũng không có các cuộc vui, phần còn lại của quân đội Áo đang đề cao cảnh giác với kẻ thù Thổ Nhĩ Kỳ. Khi họ nghe thấy tiếng súng bắn từ bên kia sông, theo phản xạ tự nhiên, lực lượng quân Áo này cho rằng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang ập đến. Họ bắt đầu báo động: “Quân Thổ! Quân Thổ!”

Bên kia sông, đoàn người say rượu nghe thấy tiếng quân mình hô hoán “Quân Thổ!”, bèn vội vã quay trở lại để hỗ trợ đồng đội, tưởng rằng đó là lời kêu gọi giúp đỡ.

Khi nhìn thấy đám đông đang đến gần trong bóng tối, đám quân thủ thành đã nổ súng vì họ nghĩ những người lính say rượu kia chính là kẻ xâm lược Thổ Nhĩ Kỳ.

Bị tấn công, những binh lính say rượu cho rằng doanh trại của họ đã bị người Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đánh và đến lượt họ nổ súng đáp trả.

Không biết vì đã nhận ra sự hiểu nhầm này hay đơn giản chỉ là muốn ngừng bắn, một số sĩ quan Đức đã hét lên “Halt!” – nghĩa là “Dừng lại!”. Tuy nhiên, do rào cản ngôn ngữ, những binh lính không phải người Đức tin rằng lính Đức đang hô hoán “Allah! Allah!” – từ cầu khẩn  mà người Thổ Nhĩ Kỳ thường hét lên khi ra trận. Vậy là trận chiến lại càng trở nên khốc liệt hơn thay vì dừng lại.

Chính sự hỗn loạn trong doanh trại quân Áo đã gây nên trận “nội chiến” Karansebes. Xuất phát từ tình trạng say rượu, bóng đêm và rào cản ngôn ngữ, toàn bộ quân đội Áo đã tự chiến đấu với chính mình.

Gần hết đêm, hàng ngàn lính Áo đã chết hoặc bị thương.

Người Thổ Nhĩ Kỳ đến

Đến buổi sáng thì người Áo mới nhận ra sự việc nhầm lẫn này. Đáng buồn thay, khi đó tổn thất đã rất lớn và hàng ngàn binh sĩ đã thiệt mạng trong trận nội chiến hỗn loạn ấy. Quân Áo đã tự làm suy yếu chính mình.

Chỉ trong hai ngày sau đó, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã chiếm được thành phố mà không cần phải triển khai kế hoạch tác chiến. Gần như toàn bộ quân đội Áo đã mất khả năng chiến đấu, còn hệ thống phòng thủ của thành phố thì sụp đổ.

Bại vì rượu?

Sự việc trên phải đến 40 năm sau mới được ghi chép lại, do đó người ta đã tranh cãi về tính khả tín của nó và một số người còn cho rằng không hề có trận nội chiến ấy. Một số nhà sử học cảm thấy thật khó tin khi đội quân nào đó lại có thể tự đánh lẫn nhau trong một khoảng thời gian dài như vậy, với rất nhiều thương vong, mà không thể nhận ra họ đang chiến đấu với đồng đội.

Còn những người tin trận chiến Karansebes thực sự đã xảy ra lại cho rằng chính vì nguyên nhân “bại vì rượu” đáng xấu hổ của trận chiến mà người ta đã loại nó ra khỏi các ghi chép lịch sử chính thống. Đồng thời quân đội Áo đã quá quẫn trí bởi sai lầm ngớ ngẩn của mình nên cũng không ai nhắc đến trận đánh ấy.

Nếu chuyện này thật sự xảy ra thì đây có thể nói là một ví dụ sâu sắc về tác hại của rượu.

Theo Katie Serena, Allthatsinteresting.com
Ánh Dương biên dịch

Xem thêm:

Mời xem video: