Sau khi Trần Nguyên Đán cùng Thiên Ninh công chúa tập hợp các Hoàng thân nhà Trần đưa vua Trần Nghệ Tông lên ngôi, thì Trần Nguyên Đán trở thành Tư đồ phụ chính, tương đương Tể tướng.

Nhìn thấu Hồ Quý Ly

Sau khi vua Trần Nghệ Tông lên ngôi thì Hồ Quý Ly thăng tiến rất nhanh. Theo lịch sử thì hai bà cô ruột của Hồ Quý Ly (cũng là hai chị em ruột) đều là Hoàng phi của vua Trần Minh Tông. Bà Minh Từ sinh ra vua Trần Hiến Tông và vua Trần Nghệ Tông, còn bà Đôn Từ thì sinh ra vua Trần Duệ Tông. Sau, con gái của Hồ Quý Ly lại là Hoàng hậu của vua Trần Thuận Tông. Em gái họ của Hồ Quý Ly lấy Trần Duệ Tông, sinh ra Trần Phế Đế. Hồ Quý Ly dựa vào đó mà thăng tiến, bổ nhiệm vây cánh của mình trong Triều đình.

Trần Nghệ Tông ở ngôi 2 năm thì truyền cho Trần Duệ Tông, lên làm Thượng hoàng. Trần Nguyên Đán xem lá số tử vi của Thượng Hoàng Nghệ Tông thấy có Vũ Phá thủ mệnh, coi người thân như cừu thù, coi kẻ ác như ruột gan, chắc chắn sẽ nghe Hồ Quý Ly; lại thấy Quý Ly có Tử Phá thủ mệnh tại Mùi, biết y sẽ cướp ngôi, và nhà Trần mất. Ông cố gắng thuyết thục Thượng hoàng không nên tin Hồ Quý Ly, nhưng những lời lẽ ruột gan của ông không được nghe theo.

Khi Thượng hoàng Trần Nghệ Tông gả công chúa cho Hồ Quý Ly, thì Trần Nguyên Đán hết sức khuyên can, ông còn làm bài thơ “Thập cầm” (Mười giống chim) cảnh tỉnh Thượng Hoàng hãy cảnh giác với “con quạ già hiểm độc” (chỉ Hồ Quý Ly). Trong bài thơ có câu:

Nhân ngôn ký gửi dữ lão nha
Bất thức lão nha liên ái phầu

Diễn nghĩa

Gửi con cho lão quạ già
Biết là lão quạ thương là mấy thương

Mặc dù Trần Nghệ Tông không thực sự “coi người thân như cừu thù”, nhưng trong vài lần tôn thất nhà Trần muốn diệt Hồ Quý Ly, thì sự can thiệp của Trần Nghệ Tông đã thực sự mang đến điều tai ương cho người thân vì “coi kẻ ác như ruột gan” vậy.

Thông hiểu tử vi, thiên mệnh, lại cảnh tỉnh nhà Vua không được, Trần Nguyên Đán biết vận số nhà Trần đã hết, nên quyết định về Côn Sơn (Hải Dương) dạy học.

Trước khi đi, biết rằng Hồ Quý Ly cướp ngôi sẽ giết rất nhiều tôn thất nhà Trần, sức người không sao thay đổi được, Trần Nguyên Đán đành kết thông gia với Hồ Quý Ly nhằm bảo vệ con cháu sau này, giao các con mình Mộng Dữ, Thúc Giao và Thúc Quỳnh cho Hồ Quý Ly. Đáp lại, Hồ Quý Ly cũng đem con gái Hoàng Trung gả cho Mộng Dữ và cho Mộng Dữ làm chức Đông cung phán thủ. Thúc Giao và Thúc Quỳnh đều được làm Tướng quân.

Cũng từ đó, dù Trần Nghệ Tông có đến thăm hỏi, “hỏi việc sau này” (Đại Việt Sử ký toàn thư), nhưng Trần Nguyên Đán không thể tiết lộ, biết rằng nói ra sẽ liên lụy nhiều người mà vẫn không xoay chuyển được, chỉ đành nói tránh: “Xin bệ hạ kính nước Minh như cha, yêu ChiêmThành như con, thì nước nhà vô sự. Tôi dầu chết cũng được bất hủ”.

Ngày nay, nhiều người chê trách Trần Nguyên Đán về việc này, nhiều người gia tộc họ Trần xem hành động kết thông gia với Hồ Quý Ly của ông là phản bội là nhà Trần. Tuy nhiên nếu nhìn mọi chuyện ở góc độ Trần Nguyên Đán biết trước được tương lai nhờ tử vi, và đồng thời còn biết được xa hơn cả chuyện Hồ Quý Ly cướp ngôi, thì có thể thấy rằng ông đã nhẫn nhục chịu tiếng oan để cháu ngoại và cháu nội làm nên nghiệp lớn.

Thấy trước số mệnh Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn

Năm 1385 khi đã tròn 60 tuổi, Trần Nguyên Đán xin về Côn Sơn (Hải Dương) vui cùng núi sông, làm bạn với cây cỏ. Nhiều bài thơ và ngâm vịnh của ông vẫn thấm đậm niềm thông cảm với nỗi khó khăn vất vả của người dân.

Trần Nguyên Đán
Cổng chùa Tư Phúc (chùa Hun) ở Côn Sơn. (Ảnh: Hoangkid, Wikipedia, CC BY-SA 4.0)

Ông đã cho dựng động Thanh Hư, giúp dân chúng làm cầu Thấu Ngọc, đắp đàn Tinh Đẩu để tế sao Bắc Đẩu cho dân chúng được mùa màng, quốc thái dân an. Ông cũng cho xây dựng chùa Hun cũng các một số công trình khác mà ngày nay vẫn còn ở khu danh thắng Côn Sơn.

Trần Nguyên Đán lại gả con gái cho thư sinh Nguyễn Ứng Long ở làng Nhị Khê. Con trai của họ là Nguyễn Trãi.

Ngoài người cháu ngoại là Nguyễn Trãi, ông còn có người cháu nội là Trần Nguyên Hãn. Biết 2 người cháu sau này đều là bậc anh hùng nên Trần Nguyên Đán tận tình chỉ dạy cho cả 2 người.

Với Trần Nguyên Hãn thì ông không lo lắng lắm, nhưng ông lại rất lo cho Nguyễn Trãi vì đứa cháu ngoại này có số mang họa cả 3 họ. Ông dặn dò Nguyễn Trãi rằng “chiếm thành thì lui binh”.

Ngày 14 tháng 11 năm Canh Ngọ 1390, Trần Nguyên Đán mất ở Côn Sơn, thọ 66. Nhà Vua ra sắc chỉ lập đền thờ ông ở động Thanh Hư.

Hai số mệnh

Sau này những tiên đoán của Trần Nguyên Đán đều thành sự thật. Năm 1399, Hồ Quý Ly thanh trừng nhà Trần, 370 người bị xử tử. Đến năm 1400, Hồ Quý Ly lên ngôi Vua, nhà Trần mất từ đây.

Sau này cả Trần Nguyên Hãn và Nguyễn Trãi đều lần lượt gia nhập nghĩa quân Lam Sơn, lập công lớn. Cả hai cũng đều có những thăng trầm sau khi phò giúp Lê Lợi lên ngôi vua.

Lê Lợi nghi ngờ Trần Nguyên Hãn làm phản vì ông là hậu duệ nhà Trần nên Trần Nguyên Hãn liền về quê ở ẩn. Tuy vậy khi có lời gièm pha về việc Trần Nguyên Hãn “mưu phản”, Triều đình cho sai nha đến bắt ông về Triều chịu tội.

Theo lịch sử thì trên đường về kinh thành, khi đến bến Đông Hồ trên dòng sông Lô. Trước khi chết, ông nói: “Tôi với hoàng thượng cùng mưu cứu nước, cứu dân, nay sự nghiệp lớn đã thành, hoàng thượng nghe lời gièm mà hại tôi. Hoàng thiên có biết xin soi xét cho” rồi trầm mình xuống sông tự vẫn.

Tuy nhiên theo dòng tộc họ Trần truyền lại thì khi đến giữa sông, Trần Nguyên Hãn đã giết mấy tên sai nha, tự làm đắm thuyền giống như mình tự vẫn, rồi bơi trở vào bờ, từ đó mai danh ẩn tích.

Còn theo dân gian thì khi thuyền đến xã Đông Sơn, Trần Nguyên Hãn ngửa mặt khấn trời rằng: “Tôi với Vua cùng mưu việc cứu dân. Việc lớn đã hoàn tất mà Vua lại muốn giết tôi. Hoàng Thiên có biết thì xin soi xét cho”. Ông vừa khấn xong thì bỗng nhiên gió lớn nổi lên, lật úp cả thuyền xuống. Bốn mươi hai xá nhân đều chết đuối cả, riêng ông cùng hai gia đồng lại trôi dạt được vào bờ và thoát chết.

Còn Nguyễn Trãi thì nhớ lời dặn của ông ngoại “chiếm thành thì lui binh” nên khi đánh thắng quân Minh thì từ quan về quê. Tuy nhiên khi vua Lê Thái Tông lên ngôi thì lại rất muốn trọng dụng và cố mời ông ra làm quan bằng được. Cuối cùng giống như những gì Trần Nguyên Đán lo ngại, Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc trong vụ án Lệ Chi viên.

Trần Nguyên Đán là vị Tể tướng tài ba cuối cùng của nhà Trần. Ông biết trước được kết cục của nhà Trần, biết trước được kết cục của cháu, nhưng sức người không sao thay đổi được thiên mệnh.

(Hết)

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: