Luôn ở bên cạnh Nguyễn Huệ, Trần Văn Kỷ là vị quân sư giữ vai trò then chốt trong việc tuyển chọn nhân tài, lại hòa giải nội chiến giúp nhà Tây Sơn ổn định và kéo dài thời gian tồn tại.

Trần Văn Kỷ: Vị quân sư nhiều lần giúp nhà Tây Sơn hòa giải (P1)
Tượng thờ Trung thư lệnh Trần Văn Kỷ tại bảo tàng Quang Trung, Bình Định. (Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên, Wikipedia, CC BY-SA 4.0)

Xuất thân

Trần Văn Kỷ xuất thân từ gia đình nông dân nghèo ở tổng Vĩnh Xương, huyện Hương Trà, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa (nay làng Vân Trình thuộc xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế). Thuở bé ông có tiếng là thông minh hiếu học.

Năm 1774, ông tham gia kỳ thi Hương ở Phú Xuân và đỗ đầu (tức giải nguyên). Tuy nhiên lúc này Đàng Trong rất loạn, quyền thần Trương Phúc Loan lũng đoạn khiến dân chúng oán thán. Lợi dụng tình hình này, ba anh em Nguyễn Nhạc khởi nghĩa ở Tây Sơn, khiến chiến loạn lan khắp nơi. Vì thế dù thi đỗ Trần Văn Kỷ quyết định về lại quê nhà.

Ở quê nhà mấy năm lũ lụt, ông vận động dân chúng trồng cây bên bờ sông ngăn lũ, không cho nước cuốn phù sa và hoa màu của dân, nên dân rất biết ơn.

Lợi dụng Đàng Trong hỗn loạn suy yếu, năm 1775, chúa Trịnh cho quân nam tiến. Quân Trịnh chiếm được kinh thành Phú Xuân, tiến quân đến tận Quảng Nam và sáp nhập các vùng đất này vào Đàng Ngoài.

Đến khoa thi năm 1777 thời vua Lê Hiển Tông, Trần Văn Kỷ tham gia thi Hương, một lần nữa đỗ đầu. Năm sau 1778, ông ra Thăng Long thi Hội (do Phú Xuân lúc này đã sáp nhập vào Đàng Ngoài). Lịch sử không chép rõ ông thi cử thế nào, chỉ nói tại đây ông đã gặp gỡ được các sĩ phu Bắc hà.

Gia phổ họ Nguyễn Huy ở xã Trường Lưu (Nghệ Tĩnh) có chép rằng:

Trần Văn Kỷ, người Thuận Hóa, đỗ cử nhân (tức Hương cống) tới Kinh yết kiến cụ Thái bảo Nguyễn Nghiễm (tức cha của đại thi hào Nguyễn Du), hỏi đến nhân tài nước nam, cụ Thái bảo trả lời: “Đạo học sâu xa thì có Lạp Phong cư sĩ (tức Nguyễn Thiếp), văn chương phép tắc là Thám hoa Nguyễn Huy Oánh, còn thiếu niên đa tài đa nghệ thì có Nguyễn Huy Tự”.

Từ miền trung ra bắc, nhờ giao lưu học hỏi với các sĩ phu Bắc hà, Trần Văn Kỷ biết thêm được rất nhiều.

Trở thành quân sư bên cạnh Nguyễn Huệ

Năm 1786, Nguyễn Huệ đánh chiếm Phú Xuân, nghe tiếng Trần Văn Kỷ liền cho người tìm đến hỏi việc. Nhờ chuyến ra kinh thành nên Trần Văn Kỷ đối đáp với Nguyễn Huệ rất nhanh và hợp lý, giúp Nguyễn Huệ có thêm niềm tin quyết định tiến quân ra bắc. Từ đó Nguyễn Huệ xem ông như quân sư, việc gì cũng đem ra bàn bạc.

Lúc này cả chúa Trịnh Tông và vua Lê Hiển Tông cùng già yếu. Thừa cơ, Nguyễn Huệ đưa quân ra bắc lấy danh nghĩa “phù Lê diệt Trịnh”.

Sau khi diệt được chúa Trịnh, trên đường về Phú Xuân, khi qua Nghệ An, Trần Văn Kỷ đã giới thiệu cho Nguyễn Huệ gặp La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, người được xem là bậc túc Nho danh giá nhất lúc bấy giờ. Tuy nhiên Nguyễn Thiếp lấy cớ tuổi cao không gặp Nguyễn Huệ, phải vài năm sau La Sơn Phu Tử mới đồng ý theo giúp Nguyễn Huệ.

Hòa giải cuộc nội chiến nhà Tây Sơn

Nguyễn Huệ sau khi vào Thăng Long diệt chúa Trịnh, lấy được rất nhiều của cải, nên khi về đến Phú Xuân thì Nguyễn Nhạc ở Quy Nhơn yêu cầu nộp lại. Tuy nhiên Nguyễn Huệ không đồng ý vì cho rằng việc đánh chúa Trịnh chỉ có riêng mình thực hiện nên không chia số của cải này.

Nguyễn Huệ cũng tự ý xây thành, phong chức phong thưởng cho các quan tướng mà không qua Nguyễn Nhạc. Nguyễn Nhạc nhiều lần cho gọi Nguyễn Huệ về Quy Nhơn nhưng lần nào Huệ cũng có lý do để không đi.

Thấy Nguyễn Huệ ngày càng lộng hành, năm 1787, Nguyễn Nhạc đích thân đưa quân đến Phú Xuân hỏi tội Nguyễn Huệ.

Nguyễn Nhạc bất ngờ rơi vào mai phục của Nguyễn Huệ nên bại trận, bỏ chạy về Quy Nhơn, bị Nguyễn Huệ cho quân đuổi theo, vây chặt thành, chặn mọi nguồn tiếp tế.

Thấy Nguyễn Nhạc không hàng, Nguyễn Huệ cũng quyết cho quân công thành, nhưng thành Quy Nhơn chắc chắn, dù thiệt hại nhiều quân nhưng không thể vào được.

Nguyễn Huệ cho quân đưa đại bác lên núi cao bắn vào thành, Nguyễn Nhạc phải lên mặt thành khóc rằng: “Bì oa chử nhục, đệ tâm hà nhẫn”. Nguyễn Lữ ở nam nghe tin cũng chạy đến.

Trước mâu thuẫn của nhà Tây Sơn, theo “Khâm Định Việt sử thông giám cương mục” thì Trần Văn Kỷ có công lớn khi đứng ra làm trung gian dàn xếp mâu thuẫn, lấy Bản Tân làm ranh giới, Từ Quảng Ngãi trở vào do Nguyễn Nhạc làm chủ, từ Thăng Diện ra bắc của Nguyễn Huệ.

Sau khi anh em hòa giải với nhau, Nguyễn Nhạc cũng xưng là Hoàng Đế, phong 2 em mình là Vương cùng cai quản các nơi, cụ thể như sau: Nguyễn Nhạc đóng đô ở Quy Nhơn; Nguyễn Lữ làm Đông Định Vương, cai quản vùng đất Gia Định; Nguyễn Huệ làm Bắc Bình Vương, cai quản vùng đất từ đèo Hải Vân trở ra Bắc.

Nhờ góp công lớn hòa giải cuộc nội chiến của anh em Tây Sơn, Trần Văn Kỷ được phong tước Kỷ Thiện hầu, giữ chức Trung thư – Phụng chính, có nhiệm vụ tham mưu, nắm toàn bộ trung thư cơ mật, thảo sắc phong, chiếu lệnh.

  • (Còn nữa)

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: