Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình, nếu ai có thể chiến thắng bản thân, thì người đó có thể chiến thắng tất cả. Câu nói này được khá nhiều người tâm đắc. Nhưng bạn hãy suy ngẫm mà xem, chúng ta đã học quá nhiều thứ giáo điều về cách làm thế nào để chung sống với người khác, nhưng lại quên mất một điều căn bản nhất, đó là học cách chung sống với bản thân mình. Bởi vậy Trang Tử bàn rằng: “Người biết ở một mình mới được coi là tôn quý”.

Chúng ta thường nói về sự hài hoà giữa con người và tự nhiên, hay con người và xã hội, kỳ thực điều quan trọng nhất lại là sự hài hoà với chính bản thân mỗi người. Trong nội tâm chúng ta có những dục vọng bất tận, cũng có những mâu thuẫn vô cùng vô tận. Chi bằng hãy nhìn lại nội tâm mình, trong đó có biết bao vọng tưởng đang ngụp lặn, có biết bao nhiêu cảm xúc vương vấn mãi chẳng nguôi?

Trong dòng suy nghĩ miên man không dứt này, chúng ta như chiếc thuyền đơn độc đang ngả nghiêng trên đầu những con sóng dữ, lúc thì lệch sang bên này, lúc lại bị kéo sang bên kia, chẳng giây phút nào được tĩnh tại.

Chỉ khi học được cách chung sống với chính mình, mới có thể giữ được sự hài hoà của thân tâm. Học cách chung sống với bản thân mới là điều căn bản của đời người.

Trang Tử: Cái gốc của đời người là chung sống với chính mình
Bức “Thu giang ngư ẩn đồ” thời Tống tại Bảo tàng quốc gia Đài Loan. (Họa sĩ: Mã Viễn, Public Domain)

Người biết ở một mình mới được coi là tôn quý

Trang Tử nói: “Độc hữu chi nhân, thị vị chí quý”, ý nói rằng “Người biết ở một mình mới được coi là tôn quý”. “Độc hữu” ở đây chỉ sự tự do tự tại, sự hài hoà tự thân, hoàn thiện bản thân, cũng chính là biết cách chung sống với chính mình.

Một mặt con người phải phát huy năng lực của bản thân mình, để phục vụ xã hội, khiến mình có ích cho sự phát triển của xã hội. Mặt khác chúng ta lại phải “độc hữu” (ở một mình), khiến sinh mệnh của bản thân luôn ở trong trạng thái tích cực, hài hoà, trở thành một người “chí quý” (tôn quý). Một câu vừa thể hiện tư tưởng nhập thế của Nho gia và tư tưởng tu dưỡng thân tâm của Đạo gia.

Làm thế nào để chung sống với chính mình, làm thế nào mới có thể hoá giải sự cô đơn, làm bạn với thời gian, đó là bài học tu dưỡng tất yếu của mỗi người.

Cô độc là điều không thể tránh khỏi

Giữa đêm khuya tĩnh lặng không một bóng người, tận nơi nội tâm sâu thăm thẳm, chúng ta khao khát được người khác thấu hiểu, khao khát được người khác tiếp nhận. Nhưng quen biết khắp thiên hạ, tri kỷ hỏi được mấy người?

Huệ Tử là người bạn thường hay biện bác với Trang Tử, nhưng lần nào ông cũng bị Trang Tử vặn tới tối tăm mặt mũi. Sau này, khi Huệ Tử qua đời, Trang Tử đã kể lại một câu chuyện ngụ ngôn miêu tả về sự cô độc vì mất đi người bạn tinh thần như sau:

Một người trên mũi nổi một chấm đen như nốt ruồi, ông nhờ người thợ làm đá cắt đi cho mình. Người thợ làm đá vung rìu lên, tiện tay vạt chấm đen đó đi, mà chiếc mũi không mảy may xước xát, mặt người ấy cũng không biến sắc.

Sau khi biết chuyện, Tống Nguyên Quân cho gọi người thợ làm đá đến, nói ông cũng thử làm như vậy cho ta xem. Người thợ làm đá đáp rằng, trước kia tôi có thể làm được như vậy, nhưng hiện tại thì không, vì người bạn đồng hành cùng tôi sớm đã qua đời rồi!

Không một ai có thể chung sống bên cạnh chúng ta thời thời khắc khắc trọn một đời. Trong dòng thời gian đằng đẵng, những nhóm người ôm ấp, náo nhiệt bên nhau, khiến con người cứ ngỡ rằng đây là trạng thái bình thường của cuộc sống. Kỳ thực, cô độc mới là trạng thái vĩnh hằng của kiếp người.

Điều chúng ta có thể làm chỉ là đối mặt với sự cô độc, sau đó tìm ra một con đường chung sống với chính mình tốt hơn mà thôi.

Thản nhiên chấp nhận và hoàn thiện bản thân

Trang Tử nói: “Tri kỳ bất khả nại hà nhi an chi khổ mệnh”, ý rằng: “Đã biết chẳng thể làm khác được thì hãy yên phận”.

Chúng ta đều có những chỗ thiếu sót, đều từng thất vọng, đều có những vấn đề hóc búa, chúng là một phần của sinh mệnh. Chỉ khi chấp nhận những sự thực này, chúng ta mới hiểu được ý nghĩa sâu xa hơn của cuộc đời.

Có câu rằng: Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình, nếu ai có thể chiến thắng bản thân, người ấy sẽ có thể chiến thắng tất cả. Sở dĩ mọi người nói như vậy là bởi suốt một thời gian dài con người đều đang tôn sùng tư tưởng “Nhân định thắng Thiên”, mang theo dục vọng chinh phục tất cả. Kỳ thực trong quá trình đối diện với bản thân mình không có chuyện thắng thua. Việc hiểu rõ mình sẽ làm bạn không ngừng tự khám phá bản thân, không ngừng tự hoàn thiện chính mình.

Tiềm năng của mỗi người là khác nhau, thành công chỉ đơn giản là đạt được giới hạn cao hơn của mình mà thôi.

Xét về ý nghĩa này, thì hoàn thiện bản thân là biết cách đánh giá đúng đắn về chính mình, là có thể phát huy tối đa khả năng của mình. Sinh mệnh không phải để so sánh, cũng không phải để chiến thắng một ai khác, mà là chấp nhận và hoàn thiện bản thân mình.

Thường đi sâu vào nội tâm, tự thức tỉnh mình, thấu hiểu bản thân mới biết được thiếu sót, hiểu được phương hướng cũng như mơ ước của mình. Hãy chấp nhận bản thân và không ngừng nỗ lực, biến sinh mệnh của mình trở thành một món quà.

Một người đối đãi với thời gian của mình như thế nào thể hiện thái độ sống của người đó. Trong khoảng thời gian hữu hạn trân quý này, quá bận tâm hay lấy lòng người khác, chi bằng tự tu dưỡng và hoàn thiện chính mình.

Cô độc không hề đáng sợ, điều đáng sợ là lãng phí thời gian một cách vô ích. Khi ấy ngoài khuôn mặt oán giận ra chúng ta chẳng thể làm nên công trạng gì.

Học cách chịu đựng và hưởng thụ sự cô độc

Trang Tử nói: “Độc dữ thiên địa tinh thần vãng lai”, ý rằng: “Cô độc kết nối với tinh thần của trời đất”.

Cô độc có thể trở thành một nét đẹp. Cho nên, sự cô độc hoàn toàn không đáng sợ như rơi xuống vực sâu, hay một mình bước trên lớp băng mỏng.

Chúng ta có thể hưởng thụ sinh mệnh khi ở một mình. Ở một mình thường khó tránh khỏi những phút cô đơn, nhưng chính vì cô đơn, chúng ta mới có thể làm những việc mình yêu thích.

Có thể ở một mình liên quan tới khí chất của một người, nó bắt nguồn từ năng lượng tự thân của bạn, sẽ mang đến cho bạn sự tự tin không cần dựa dẫm vào những nhân tố bên ngoài.

Cô độc và ở một mình thường rất khó khăn. Khi đối mặt với nhiều thời gian rảnh rỗi hơn, thì sự vô vị cũng bao trùm lấy bạn. Con người thường cảm thấy nhàm chán, và ngày càng trở nên vô vị hơn. Nhưng chỉ cần nội tâm trở nên phong phú, thì sự nhàm chán kia sẽ được phân tách từng ngày, tới khi hoàn toàn biến mất.

Phụ nữ thường khao khát tìm kiếm cảm giác an toàn từ người bạn đời. Kỳ thực nếu phụ nữ quen ở một mình, họ sẽ biết cách tìm thấy cảm giác an toàn cho bản thân một cách thiết thực hơn.

Dẫu cho sự cô độc và cuộc sống một mình khó nhẫn chịu thế nào, chúng ta cũng nhất định phải kiên trì, cho đến khi bản thân hứng thú với cuộc sống này. Khi ấy bạn sẽ thực sự cảm nhận được dư vị của sinh mệnh, cùng chung sống hài hoà với nó, và có được năng lực vượt thoát khỏi cuộc sống ồn ào náo nhiệt bên ngoài.

Nếu như giây phút này, dẫu đang ở giữa dòng người hân hoan, nhưng bạn vẫn cảm thấy cô độc, vậy thì hãy cho sự cô độc của bản thân một cơ hội. Bạn chưa biết rằng cô độc cũng tuyệt vời nhường nào đâu!

Theo Vision Times tiếng Trung
Thiên Cầm biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: