Một người trưởng thành hay chưa không phải được quyết định ở việc tuổi nhiều hay ít mà là được quyết định bởi tâm tính của người ấy. Sự trưởng thành, sự hoàn thiện của tâm tính không phải được quyết định bởi người đó gặp bao nhiêu sự tình mà nó được thể hiện ra ở thái độ và cách mà người ấy đối đãi với sự tình ra sao. Dưới đây là 10 nguyên tắc đối đãi, giải quyết sự tình mà người xưa cho rằng cần thủ vững.

10 nguyên tắc một người trưởng thành cần thủ vững trong cuộc đời
(Ảnh minh họa: JekLi, Shutterstock)

1. Ứng đối với tình huống cấp bách

Tặng than sưởi ấm trong ngày tuyết rơi, đừng đợi sau cơn mưa mới tặng ô cho người. Nguyên tắc này là có ý khuyên bảo con người hễ gặp việc thiện, việc gấp thì cần làm ngay, đừng chần chừ. Khi người khác gặp khó khăn, nếu có thể kịp thời giúp đỡ họ thì sức mạnh đó là vô cùng lớn.

2. Quang minh chính trực

Cổ nhân cho rằng, làm người phải luôn quang minh chính đại trong bất kể việc gì, đừng âm mưu quỷ kế. Bởi vì, “người tính không bằng Trời tính”Người có thể quang minh chính đại mới có thể ngay thẳng, rộng lượng, lòng dạ trong sáng vô tư. Người chính nghĩa thì luôn được người khác ủng hộ. Trái lại, người âm mưu quỷ kế thì luôn khiến người khác xa lánh và xem thường. Người thành thật, chính trực thì lấy thành tín làm gốc lập thân nên được mọi người tôn kính và được Thiên đạo phù trợ.

3. Nguyên tắc nói chuyện

Lời nói có sức mạnh vô cùng lớn, nó có thể cải biến người xấu thành người tốt, đồng thời cũng có thể đẩy một người đến bước đường cùng. Cho nên, khi nói chuyện cần có thiện ý, không nên nói sau lưng, nhưng cũng không thể có gì nói nấy. Người nói không được nói lời dối trá, nhưng lại cần cân nhắc đến cảm thụ của người nghe, cũng cần cân nhắc đến tác dụng cuối cùng của việc nói, không nói hay nói ở mức độ nào. Do đó đây cũng là một nghệ thuật.

4. Khoan dung, rộng lượng

Làm người có tu dưỡng, một khi nhìn thấy sai sót, lỗi lầm của người khác thì phải ngẫm nghĩ lại sai sót và lỗi lầm của bản thân mình. Nhất định phải thông cảm với khó khăn và tha thứ cho sai trái của người khác. Đây là nghiêm khắc với mình mà bao dung với người.

Lòng người càng rộng rãi bao nhiêu thì khoái hoạt, hạnh phúc càng nhiều bấy nhiêu. Đời người không thể lúc nào cũng vừa ý vừa lòng, nơi nào cũng là hoàn mỹ. Hoa nở hoa rụng, ấy chính là cảnh thường thấy trong đời người. Người đến người đi, hết thảy đều là qua lại, hiểu được điều ấy, không để tâm chấp trước vào đó mới có thể khoái hoạt, hạnh phúc mà vui sống.

5. Kiên trì

Mạnh Tử nói đại ý rằng: Làm việc gì thì cũng phải kiên nhẫn giống như đào giếng vậy. Nếu như đã đào giếng sâu lắm rồi, nhưng bởi vì chưa tới mạch nước mà buông tha thì vô luận là đã bỏ ra bao nhiêu công phu, đào sâu bao nhiêu đi nữa cũng là thất bại. Cái giếng ấy vẫn sẽ là một cái giếng hoang mà thôi.

Cho nên học tập, làm công tác, hay làm bất kể việc gì thì nhất định cần phải kiên trì, kiên nhẫn. Mỗi ngày học thuộc một chút, nắm bắt được một chút kiến thức, lâu dần có thể trở thành “bách khoa toàn thư”. Mỗi ngày làm một chút, lâu dần chắc chắn sẽ đạt được những thành tựu nhất định.

6. Nhìn xa

Cổ nhân giảng: “Người không biết lo xa thì tất sẽ có điều ưu phiền gần”. Người không lo xa là những người “ăn xổi ở thì”, chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt, làm việc mà không có suy xét phải trái, trước sau… Những người như thế thì thường rất nhanh sẽ phải chịu hậu họa, nhẹ thì buồn lòng, nặng thì gia đình suy vong.

Người không lo xa sẽ không biết tiên liệu, không biết tiên liệu thì sẽ không ứng xử kịp thời khi xảy ra trắc trở, hậu họa. Trong một phạm vi nhỏ như gia đình, nếu một người chồng, người cha không biết suy nghĩ sâu xa thì tai họa mà họ gặp phải không chỉ là cá nhân mà còn ảnh hưởng đến vợ con. Tương tự ở cương vị là người lãnh đạo đất nước mà không biết “lo xa” thì sẽ mang đến buồn phiền cho cả dân tộc và nhiều thế hệ.

7. Chuyên nhất

Từ xưa đến nay, vô luận là bậc hiền nhân hay nông phu thì cũng phải dụng tâm mới mong có được thành công. Trong cuộc sống hàng ngày cũng là như thế, bất kể làm một công việc gì dù lớn hay nhỏ thì đều phải tập trung làm. Cho dù là ở thời nào, ở hoàn cảnh nào đi nữa, trong công việc hay trong cuộc sống, người dụng tâm chuyên nhất, một lòng một dạ, không “đứng núi này trông núi nọ” thì cũng luôn được lòng người và đạt được những thành tựu nhất định.

8. Không xem nhẹ tiểu tiết

Cổ nhân có câu: “Thấy mầm biết cây”, ý nói rằng nhìn sự vật khi nó mới xuất hiện, như thế có thể đoán biết tương lai của nó. “Kế hoạch khó ở chỗ dễ”, nếu không để ý từ việc nhỏ thì thông thường người ta sẽ dễ phạm phải sai lầm như nôn nóng, rối loạn, lộn xộn mà hỏng việc lớn. Có câu: “Ôm chí lớn, đừng quên tiểu tiết”. Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ, từ những điều xung quanh mình, làm đến nơi đến chốn.

9. Khiêm tốn

Lão Tử nói: “Người không tự cho mình là đúng thì trí óc mới có thể sáng suốt, người không khoe khoang thì công trạng của họ mới có thể được khẳng định, người không kiêu ngạo thì sự nghiệp mới có thể phát triển.” Từ xưa đến nay, đa số người thành tựu được việc lớn lao, có thể bảo trì trạng thái tốt đẹp ấy được lâu dài, đều có đức tính khiêm tốn.

Từ Kinh Dịch mà xét, hết thảy pháp tắc làm người và đạo lý của tự nhiên đều là do thiên địa âm dương biến hóa. Trong mỗi một quẻ hào đều có hung và cát. Quẻ hung là để cảnh giới con người tránh xa cái ác. Quẻ cát là động viên, khuyến khích con người hành thiện. Bao nhiêu quẻ như vậy chỉ có quẻ khiêm (khiêm nhường) là mỗi một hào đều cát tường, may mắn.

10. Thành tâm

Bất luận là thời xưa hay thời nay, ở xã hội nào cũng vậy, ai trong chúng ta cũng muốn tiếp xúc, kết bạn, ở chung và làm việc cùng với những người thành tâm. Đó là điều không ai có thể phủ nhận được. Trong xã hội hiện đại, con người ta đôi khi vì để chiếm được lợi ích, vì thiệt hơn, vì được mất mà lừa dối người khác, thậm chí làm hại người khác. Nhưng cuối cùng, sau khi trải qua rồi quay đầu nhìn lại, không ít người đã ngộ ra rằng, thứ mà mình đánh mất (thành tín) là vô giá mà thứ mình tranh giành được lại chỉ là phù du. “Thành tín” là đạo đức tốt đẹp của con người.

Làm việc chỉ sợ có tư tâm, làm người làm việc quan trọng nhất là ở cái tâm và ở hành động. Nếu ai ai cũng giữ nguyên tắc làm đến nơi đến chốn, chân thật làm người thì xã hội sẽ ngày một tốt đẹp hơn.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: