Rất nhiều người nơi thế gian này đều có mong ước được sung túc giàu có, trở thành người đại phú đại quý, cuộc sống an khang, yên ổn. Vậy thì rốt cuộc, ngọn nguồn của những tài phú ấy đến từ đâu?

Trí tuệ cổ nhân: Đức là ngọn nguồn của hết thảy tài phú
(Tranh trong bộ “Thập bát học sĩ đồ” thời Minh, Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)

Trong “Luận Ngữ. Lý nhân”, Khổng Tử nói: “Phú dữ quý, thị nhân chi sở dục dã. Bất dĩ kì đạo đắc chi, bất xử dã”, ý tứ là của cải phú quý là thứ mà mọi người đều mong muốn, nhưng nếu phú quý do dùng thủ đoạn bất chính mà có được thì người quân tử nhất định sẽ không nhận. 

TrongLễ ký. Đại học cũng có câu rằng: “Đức giả, bổn dã; tài giả, mạt dã”, Đức là cái gốc, của cải là cái ngọn. Không ít người khi gặp câu nói này thì liền hiểu sai ý tứ của nó. Họ cho rằng mỹ đức của con người là rất quan trọng, còn tài phú của cải là thứ không quan trọng. Bởi vậy không ít người sẽ nghĩ, nếu chỉ có đức mà không có của cải thì làm sao bản thân gia đình có thể sinh sống được đây? Nếu chỉ làm người tốt, coi nhẹ của cải thì có thể giải quyết được vấn đề sinh sống của gia đình sao? Chính vì cách lý giải không đúng này nên không ít người không dám sống và thực hành theo các lý niệm của văn hóa truyền thống.

“Bổn” ở đây là chỉ cái gốc rễ, còn “mạt” là chỉ ngọn cây, cành lá của cây. Từ ý nghĩa bề mặt mà xét thì đức là cái gốc, còn của cải là cái ngọn. 

Những người có hiểu biết về thực vật có thể hiểu rằng, khi bộ rễ của một cái cây càng lớn càng cắm sâu vào lòng đất thì thân của nó cũng phát triển càng cao lớn, cành lá sẽ càng xum xuê tươi tốt, hoa quả cũng sẽ sai trĩu và to mọng. 

Của cải tài phú cũng giống như cành lá hoa quả vậy, nó là biểu hiện bên ngoài của gốc rễ. Gốc rễ ấy chính là mỹ đức. Theo cách nói trong cuốn “Đại học” thì khi một người có đầy đủ phẩm hạnh đạo đức tốt đẹp thì sẽ thúc đẩy tài phú không ngừng sinh trưởng. Nếu một cái cây mà có bộ rễ không lớn, không cắm sâu vào lòng đất thì cành nhánh của nó cũng không thể vươn cao được, hoa trái cũng sẽ không phát triển. Thậm chí cái cây ấy sẽ không cho hoa thơm quả ngọt được. Tài phú của cải mà một người có được cũng là theo đạo lý này. 

Cho nên, “Đức giả, bổn dã; tài giả, mạt dã”, không phải có ý khuyên răn mọi người chỉ nên chú ý tu thiện tu đức, không nên quan tâm đến của cải, làm người tốt mà sống trong nghèo khó. Mà câu nói này có ý tứ rằng, một người muốn có được của cải giàu sang thì phải tu dưỡng đức hạnh của bản thân, nâng cao đạo đức của bản thân thì tài phú tự nhiên sẽ đến. Hay nói một cách ngắn gọn thì đức là cái gốc của tài phú, tài phú là biểu hiện bên ngoài của đức.

Khổng Tử cũng giảng: “Quân tử ái tài, thủ chi hữu đạo”, người quân tử coi trọng của cải nhưng lấy của cải phải đúng đạo lý. Đạo của người quân tử không phải là ở chỗ nghèo rớt mồng tơi, mà là ở chỗ tu dưỡng đức hạnh.

Ngoài ra, tài phú ở đây cũng không phải theo nghĩa hẹp là chỉ tiền bạc của cải đất đai, mà nó còn bao gồm nhiều phương diện khác như sức khỏe, công danh sự nghiệp, gia đình… Bởi vậy, cổ nhân mới có câu rằng “hết thảy thứ mà một người có được trong đời đều từ đức mà sinh ra”.

Về mối quan hệ giữa đức và tài, cổ ngữ còn có câu: “Hậu đức tái vật”. Câu nói này có xuất xứ từ “Chu Dịch”, có nghĩa là đức hạnh sâu dày thì có thể chịu tải, nâng đỡ được vạn vật. Nếu một người không có đức dày mà lại theo đuổi tài phú to lớn thì rất dễ mang đến tai họa khó lường.

Trong “Chu Tử gia huấn” viết: “Đức bất phối vị, tất hữu tai ương”, đức không xứng với địa vị thì tất sẽ có tai ương. Khi một người có được tài phú càng ngày càng lớn, chức vị quan tước càng ngày càng cao, danh vọng càng ngày càng hiển hách nhưng đức hạnh cũng không theo đó mà nâng cao lên thì sẽ tạo thành loại tình huống “Đức không xứng vị” như lời cổ nhân nói, và tai họa không ngờ được cũng sẽ theo đó mà đến. Ví dụ đơn giản như một người có thể mang được một vật nặng 50kg nhưng nếu họ lại mang vật có sức nặng 500kg thì sẽ dẫn đến bị trọng thương. 

Khi một người có địa vị càng lớn, quyền hành càng nhiều nhưng lại không chú trọng tu dưỡng đạo đức của bản thân thì người ấy sẽ càng dễ dàng dựa vào quyền thế mà tư lợi, tham ô hủ bại. Những ví dụ về sự tình này, chúng ta không hiếm gặp ngày nay. Bởi vậy có thể thấy, “Đức bất phối vị, tất hữu tai ương” không chỉ là lời răn dạy, mà cũng là lời cảnh tỉnh của cổ nhân cho con người ngày nay. 

Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: