“Kinh thi. Phong nhã. Ức” viết: “Nhân diệc hữu ngôn, mĩ triết bất ngu”, nghĩa là không có người khôn mà không làm điều ngu, không có một người minh trí nào mà lại không có lúc ngu dại.  Ý tứ của câu nói này cũng tương tự như cách nói: “Đại dũng nhược khiếp, đại trí nhược ngu”, người dũng mạnh thường có vẻ ngoài như khiếp sợ, người đại trí thường có vẻ ngoài như ngu đần.

Trí tuệ cổ nhân: Người đại trí cũng có lúc như "ngu đần"
Bức “Thu giang ngư ẩn đồ” thời Tống tại Bảo tàng quốc gia Đài Loan. (Họa sĩ: Mã Viễn, Public Domain)

Trong “Đạo Đức Kinh” viết: Những sự vật tối hoàn mỹ thì dường như không trọn vẹn, nhưng công dụng của nó vĩnh viễn không suy kiệt; những thứ tối tràn đầy thì dường như là hư không, nhưng công dụng của nó là vô tận; thứ cực thẳng thì dường như cong, thứ cực khéo thì dường như vụng, ăn nói cực tài thì dường như ấp úng.

Để làm rõ hơn về ý “người đại trí nhìn như ngu đần” này, trong “Hoài Nam Tử” có kể một câu chuyện như sau.

Xưa kia có một người tên là Tần Ngưu Khuyết, trên đường đi qua một ngọn núi lớn, anh ta gặp phải bọn cướp. Cỗ xe ngựa, tiền bạc và tất cả hành lý của anh ta đều bị bọn cướp cướp mất. Khi bọn cướp chuẩn bị rời đi, chúng quay đầu nhìn lại xem Tần Ngưu Khuyết ra sao thì thấy anh ta không những không sợ hãi, đau buồn gì mà trái lại còn mang vẻ thản nhiên.

Thủ lĩnh toán cướp cảm thấy khó hiểu liền hỏi Tần Ngưu Khuyết: “Bọn ta đã cướp lấy đồ của ngươi, dùng dao đe dọa ngươi, nhưng ngươi lại không thay đổi sắc mặt, không một chút sợ hãi là vì sao?”

Tần Ngưu Khuyết nói: “Xe ngựa chỉ là thứ dùng để chuyên chở, còn y phục chỉ là thứ dùng để che thân. Thánh nhân sẽ không vì quý tiếc những tài vật dùng để dưỡng thân hộ thân mà làm tổn hại tâm hồn và thể xác của mình!”

Bọn cướp nghe xong thì cho rằng Tần Ngưu Khuyết là người có trí tuệ. Chúng cho rằng nếu sau này được quân vương trọng dụng thì người này nhất định sẽ trả thù. Vì vậy để tránh hậu họa sau này, bọn cướp liền giết luôn Tần Ngưu Khuyết.

Với trí tuệ của mình, Tần Ngưu Khuyết biết rằng không quý tiếc của cải thì có thể bảo toàn được mạng sống của bản thân trước bọn cướp. Tần Ngưu Khuyết thể hiện ra bản thân mình điều gì cũng hiểu nhưng lại không thể dùng trí tuệ mà che giấu sự thông minh của mình, giả bộ hồ đồ để tránh họa sát thân. Tần Ngưu Khuyết có gan thể hiện lòng dũng cảm của bản thân nhưng lại không biết thể hiện ra sự “khiếp đảm nhu nhược”. Nếu như Tần Ngưu Khuyết tỏ vẻ bối rối, rất có thể cái kết đã không như vậy.

Bởi vậy người biết giữ mình ở thế yếu thì có thể gặp dữ hóa lành, tránh được tai họa. Phàm là những người tu đạo, hiểu đạo thì đều có khả năng thích ứng, có thể đối phó với các sự tình xảy ra bất ngờ, gặp phải mối họa luôn có thể hóa giải được. Nếu một người chỉ biết nguyên do và phương pháp của mình mà không hiểu được nguyên do và phương pháp của người khác, biết mình mà không hiểu người thì đối với những sự tình phức tạp sẽ không thể nhìn thấu đáo được.

Thi họa gia thời nhà Thanh, Trịnh Bản Kiều từng viết tác phẩm thư pháp: “Nan đắc hồ đồ”. Dòng chữ nhỏ chú thích trong tác phẩm thư pháp là: “Thông minh khó, hồ đồ khó, từ thông minh chuyển sang hồ đồ càng khó, buông tay ra, lùi một bước, lòng yên ổn, sau này không mong sự đền đáp”. Những lời này của Trịnh Bản Kiều cũng là đạo lý mà những người trí tuệ thời xưa hướng đến. Họ biết rằng có những việc cần gắng hết sức theo đạo nghĩa, nhưng cũng có những việc chiểu theo đạo nghĩa thì người ta lại nói họ “hồ đồ”. (Xem bài: “Nan đắc hồ đồ”: Cái “hồ đồ” của một con người đại nghĩa)

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm: