Cổ ngữ có câu: “Nhẫn nhịn cơn giận nhất thời, tránh được mối lo trăm ngày”. Người xưa rất coi trọng và đề cao khả năng nhẫn nại. Trong sự tu dưỡng nhân cách của Nho gia, sự vô vi của Đạo gia, sự từ bi của Phật gia đều chứa đựng nội hàm về chữ “Nhẫn” này. Một cuốn sách dạy về chữ Nhẫn rất đáng tham khảo là “Khuyến nhẫn bách châm” của tác giả Hứa Danh Khuê triều Nguyên. Trong cuốn sách này cũng chỉ ra rằng đối với những điều bản thân yêu thích hay ghét bỏ thì đều phải thực hành nhẫn nhịn.

Trí tuệ cổ nhân: Nhẫn nhịn trước những điều yêu ghét của bản thân
(Tranh: Họa sĩ Thạch Đào, thời Minh – Thanh, Wikipedia, Public Domain)

“Khuyến nhẫn bách châm” viết rằng xưa kia, Sở Linh Vương rất thích những người có vòng eo thon thả. Vì vậy, một số cung nhân bắt đầu ăn kiêng, kiểm soát vòng eo của mình. Mỗi ngày, những người này đều dùng đai lưng buộc chặt bụng lại. Bởi vì họ ăn kiêng quá mức mà có người đói đến choáng váng. Khi họ ngồi trên chiếu mà muốn đứng dậy thì đều phải vịn vào tường. Khi họ ngồi trên xe ngựa mà muốn đi ra thì đều phải bám chặt vào xe. Các cung nhân có thể ăn những món ngon nhưng đều nhịn không ăn nữa. Có người bởi vì đói mà chết.

“Khuyến nhẫn bách châm” lại bàn về Ngô Vương. Ngô Vương rất thích những hiệp khách tinh thông kiếm thuật, thế là trong dân gian có rất nhiều người học kiếm. Trên người dân chúng nước Ngô đều là những vết thương.

Bởi vậy bậc quân vương đức hạnh thời xưa thường kìm chế không để lộ những điều mình thích. “Thích rượu, thích tài, thích đàn, thích sáo, thích ngựa, thích múa, thích kịch”… mỗi một cái ham thích trong ấy đều sẽ khiến người đời mất mát.

“Khuyến nhẫn bách châm” cho rằng người ta chỉ có “thích học” mới thực sự là có ích cho bản thân mình. Các loại ham mê yêu thích khác đều sẽ mang lại sai lầm, mất mát cho bản thân. Có người biết nhưng lại không bỏ được, ham thú chơi bời, mê muội mất cả ý chí, đây là bệnh chung của xã hội. Cho nên người ta cần phải nhẫn nhịn trước những sở thích của bản thân thì mới khiến ý chí thanh tỉnh, trí tuệ tinh thông.

Trong phần viết về những điều bản thân ghét bỏ, “Khuyến nhẫn bách châm” bàn rằng người xuất phát từ lẽ công bằng chính trực mà chán ghét người khác thì nhất định đó là người trọng nghĩa, còn người xuất phát từ tư tâm mà chán ghét người khác thì sẽ bị người khác coi là kẻ thù.

Sách “Tả truyện” có ghi lại chuyện Tang Tôn Hột. Mạnh Tôn Thị vốn rất ghét Tang Tôn Hột, còn Quý Võ Tử lại rất yêu mến ông. Mạnh Tôn Thị mất, Tang Tôn Hột đến phúng viếng và khóc rất bi ai. Người đánh xe thấy vậy thì hỏi: “Mạnh Tôn Thị ghét ông như vậy mà ông khóc lóc thảm thiết, nếu như Quý Võ Tử chết thì ông còn khóc đến mức nào?”

Tang Tôn Hột đáp: “Quý Võ Tử yêu mến ta giống như làm cho ta từ từ mà mắc bệnh bất trị. Mạnh Tôn Thị chán ghét ta lại giống như thuốc tốt trị bệnh. Bệnh bất trị sao có thể so được với thuốc hay trị bệnh giúp ta sống lâu, mà thương tổn của bệnh bất trị cũng là thương tổn trí mạng.”

Thời Tam Quốc, Gia Cát Lượng bãi bỏ tước vị và chức quan của Lý Bình, đồng thời cho lưu đày đến Tử Đồng. Gia Cát Lượng cũng giáng Lưu Lập thành dân thường, cho lưu đày đến Vấn Sơn. Nhưng khi nghe tin Gia Cát Lượng qua đời, họ đều tiếc thương, không một chút oán hận. Đường Thái Tông đánh giá về Gia Cát Lượng: “Cách trị vì tốt nhất là phải dùng đến sự công bằng, trước kia Gia Cát Lượng lưu đày Lý Bình, Liêu Lập mà khi Gia Cát Lượng chết cả hai người đều khóc thương. Nếu không phải dùng tâm công chính thì sao có thể như thế được?”

“Khuyến nhẫn bách châm” viết rằng người ta thường thường khi yêu thích một người thì sẽ yêu luôn cả ngôi nhà, cả con quạ đậu trên nóc nhà của người mình yêu, yêu thích tất cả những người và vật có liên quan đến người ấy. Còn người ta khi căm ghét một người thì sẽ oán ghét tất cả những gì liên quan đến người ấy. Ngay cả khi diều hâu trở thành chim bồ câu thì những con chim khác vẫn ghét đôi mắt của nó. Bởi vậy người đức độ thì cần kiềm chế cái tâm ghét hận của mình.

Trong cuộc sống, đối với những người thực sự đáng trách, chúng ta cũng không nên thể hiện quá mức. Còn khi người khác chán ghét mình, thì thay vì oán hận họ, hãy học cách khoan dung. Sự thiện lương lớn lao nhất có thể cảm hóa mọi ác duyên nghiệt ngã nhất.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: