Con người cho dù là tuổi trẻ, sức khỏe mạnh mẽ đến thế nào đi nữa thì cũng đến thời điểm ra đi, cho dù là sống thọ đi nữa thì cuối cùng cũng phải quy về cái chết. Đó là một nỗi khổ lớn lao của đời người, cũng là điều khiến nhiều người sợ hãi nhất. Vậy thì tâm thái của cổ nhân khi đối diện với cái chết cái sống như thế nào?

Trí tuệ của cổ nhân: Đối diện với cái chết
(Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Người ta đến chết là hết một đời, cho nên trước cái chết, tưởng rằng ai cũng bình đẳng như ai, không còn phân biệt tôn, ti, thượng, hạ gì nữa. Ấy thế mà người quân tử cao thượng đến chết cũng không để cho bản tâm lơi lỏng. Kinh Lễ có chép một câu chuyện như sau.

Thầy Tăng Tử ốm nặng. Trong những kẻ chầu chực hầu hạ, học trò thì có Nhạc Chính Tử Xuân, ngồi ở cạnh giường con thì có Tăng Nguyên, Tăng Nhân ngồi ở dưới chân, lại có một tên đồng tử đứng một góc cầm nến.

Tên đồng tử hỏi:

– Cái chiếu đẹp đẽ và bóng bẩy này là thứ chiếu quan đại phu dùng chăng?

Tử Xuân bảo:

– Im, chớ nói.

Tăng Tử nghe tiếng giật mình, thở dài.

Đứa đồng tử lại hỏi:

– Cái chiếu đẹp đẽ và bóng bẩy này là thứ chiếu quan đại phu dùng chăng?

Tăng Tử đáp:

– Phải. Cái chiếu ta nằm là chiếu của Quí Tôn làm quan đại phu nước Lỗ cho ta. Ta chưa kịp thay đấy.

Rồi gọi con bảo:

– Nguyên kia, đứng dậy thay chiếu cho ta.

Táng Nguyên nói:

– Bệnh cha nguy lắm, không dám khinh động, xin để đến sáng, sẽ thay.

Tăng Tử nói:

– Con yêu cha không bằng tên đồng tử. Người quân tử yêu ai, yêu một cách phải đường. Kẻ tiểu nhân yêu ai, yêu một cách nộm tạm cẩu thả. Như ta bây giờ còn mong gì nữa. Nếu ta được chết một cách chính đính, khỏi mang tiếng phi nghĩa, là đủ cho ta rồi.

Con cái và học trò nghe nói, xúm lại vực Tăng Tử lên để thay chiếu.

Tăng Tử vừa nằm yên vào chiếc chiếu mới thì mất.

Người quân tử dù biết chết đến nơi, cũng còn giữ gìn, không muốn vượt phận mình, lại không chịu đeo tiếng là phi nghĩa. Quân tử thay! Thực đáng làm gương cho lắm kẻ đời nay, quên cả phong hoá, bỏ cả lễ nghĩa, lúc ma chay tiếm lạm nhiều cách, chỉ chuộng cái thói đời phù hoa đua đả, chớ không còn biết cái tài đức, cái đẳng cấp của người chết đáng vào bực nào nữa. Những con cháu tống táng ông cha theo sự phù hoa mà phạm vào điều phi nghĩa, thì có gọi được là con cháu hiếu không?

Bậc quân tử đã là như thế, mà người tu hành lại càng cần phải hơn vậy. Trong “Mai Hiên bút kỷ” có ghi chép một câu chuyện như thế này.

Tại chùa Tô Châu có một nhà sư tên là Viên Thủ Trung tu hành. Nhà sư thường bày trên án thư, trước chỗ ngồi, một cỗ quan tài con bằng gỗ bạch đàn, dài độ ba tấc, có cái nắp đạy, mở được. Khách đến chơi, trông thấy, cười nói rằng: “Người chế ra cái này dùng để làm gì?”

Nhà sư nói:

“Người ta có sống tất có chết, mà chết thì vào ngay cái này. Ta thực lấy làm lạ, người đời ai ai cũng chỉ biết có phú quý, công danh, tài sắc, thị hiếu, lo buồn, vất vả suốt đời, chẳng biết đến cái chết là gì. Như ta đây mỗi khi có việc không được như ý, ta ngắm xem cái quan tài này, là tức khắc trong tâm được yên ổn mà muôn nghìn sự tư lự đều lâng lâng sạch như không. Cái quan tài con này đủ thay lời huấn, lời giới của bậc nghiêm sư, đủ thay bài trâm, bài minh treo bên chỗ ngồi vậy”.

Người ta sở dĩ ham mê say đắm vào thanh, sắc, danh, lợi hay liều lĩnh tàn nhẫn dám làm những việc gian ác, là thường chỉ biết cái trước mắt chớ không chịu nghĩ tới cái đến ngay sau lưng. Cái chết vốn như con ma, ai cũng sợ, cũng ghét thật, nhưng cái chết lại chính là ông thầy, chính là bài thuốc chữa khỏi được bao nhiêu các thói tật xấu xa ở đời. Người ta mà đã đem lòng nghĩ đến cái chết, thì tự khắc mất cả lòng tham, tan cả máu ghen, hoá hết cả mọi sự mê muội mà thành ra biết thương đời người. Thương đời người thì mọi sự hay, dở, phải, trái ở đời, không còn gì bận đến tâm rất thư nhàn sung sướng vậy.

Một người khi lâm vào ranh giới sinh tử mới hiểu được rằng trên thế gian này chẳng có gì là mãi mãi, lại càng hiểu ra rằng hết thảy danh, lợi cũng chỉ như mây gió thoảng qua, hết thảy đều là vô thường mà thôi.

Theo Cổ học tinh hoa
Ninh Sơn tổng hợp

Xem thêm:

Mời xem video: