Người xưa thường hay gọi những người làm quan thanh liêm, biết thương dân là quan phụ mẫu, ví họ như cha mẹ của dân chúng. Tuy nhiên kẻ làm quan mà quên giữ sự công bình chính trực, hay làm điều xấu, không biết thiện ác đúng sai, cần phải nhớ rằng, của cải, địa vị của họ đều là nhờ dân mà ra. “Nước nâng thuyền, nước cũng có thể lật thuyền”, đạo lý muôn đời đều là như thế.

Trí tuệ cổ nhân: Quan lại cần nhớ mình là kẻ làm thuê cho dân
(Tranh minh họa: Council Auction House, Public Domain)

Trong Cổ học tinh hoa có chép chuyện “Tiễn người đi làm quan” của Liễu Tôn Nguyên như thế này:

Tiết Tồn Nghĩa người Hà Đông sắp đi làm quan. Ông Liễu Tôn Nguyên làm tiệc tiễn hành ở bờ sông, rót chén rượu mời Tồn Nghĩa mà nói rằng:

“Phàm ra làm quan ở hạt nào, phải biết chức phận của mình là người làm việc cho dân, chớ không phải khiến dân làm việc cho mình. Dân ở trong hạt đã chịu nộp thuế để lấy tiền thuê quan giữ sự công bình cho dân, mà nay, ngán thay, thiên hạ ra làm quan, tiền thuế của dân thì biết lấy cả, còn công việc của dân, thì trễ biếng, thường khi lại ăn trộm của dân nữa.

Giả sử ta đây thuê một người làm việc trong nhà, nó đã lấy tiền thuê mà lười không làm việc, lại còn ăn cắp đồ thập vật trong nhà, thì tất ta phải giận mà trách phạt nó và đuổi nó đi. Bây giờ kẻ làm quan như thế nhiều, mà dân không nổi giận trách phạt và đuổi đi là tại làm sao? Chỉ tại thế lực chênh nhau mà không làm được thôi. Nhưng thế lực dù chênh mà lý vẫn là một. Nên kẻ làm quan, nếu còn biết công lý, thì ai mà không chịu giữ gìn cố làm thế nào cho đáng đồng tiền thuê của dân?

Này Tồn Nghĩa, ngươi trước đã làm quan huyện ở Linh Lăng hai năm ngày ngày dậy sớm đêm đêm suy nghĩ, chính sự siêng năng, xử kiện công bằng, thu thuế phù hợp, già trẻ không ai đem lòng thù ghét, ngươi thật là biết sợ và giữ gìn lắm, cho nên ngươi lấy tiền thuê của dân rất là đáng vậy.

Ta đây chức nhỏ không được dự vào việc bàn bạc xét công cho kẻ đi làm quan, để thăng thưởng, trách giáng. Ta chỉ biết ngươi đi làm quan, nên thưởng tiệc rượu này lấy lời trân trọng để tiễn hành.”

Đạo làm quan thời xưa đại để là không làm phiền nhiễu dân chúng, không phô trương hình thức, không thể hiện quyền uy, giữ mực giản dị, gặp người nghèo khổ hay khốn khó thì dốc sức tương trợ, dù là hạng người thấp kém tù tội cũng không đối xử khác đi, thường xuyên quản thúc và giáo dục người nhà biết khiêm cung với dân… Người có thể làm “cha mẹ của dân” thì trước tiên phải coi dân làm cha mẹ của mình mà đối đãi.

Trong xã hội hiện đại này, quan lại không phải như quan xưa, không phải là cha mẹ sinh dưỡng được dân, chỉ là kẻ làm công, lấy tiền thuê của dân mà thôi. Ôi! Từ bậc làm cha mẹ người ta đến bậc làm kẻ thuê mướn của người ta xa cách nhau như thế nào!

Tuy vậy, xét kỹ đến nơi, thì thực hai ý tưởng không có trái nhau. Tiếng “phụ mẫu” là tiếng dân dùng để ca tụng quan thanh cao là phải, thì tiếng “công bộc” là tiếng quan tự dùng để nhớ chức phận mình cũng là phải.

Cái chức vụ của người làm quan, như Liễu Tôn Nguyên nói đây, chỉ cốt làm sao giữ cho được công lý thì thôi. Mà khi đã giữ được công lý thì ai mà không kính quan, trọng quan, tôn quan lên làm “dân chi phụ mẫu”.

Theo Cổ học tinh hoa
Ninh Sơn tổng hợp

Xem thêm:

Mời xem video: