“Trị chưa bệnh”, chữa trị khi bệnh còn chưa phát sinh, là tôn chỉ của Trung Y thời cổ đại, cũng là ưu thế nổi trội và nét đặc sắc trong cách trị bệnh của Trung Y truyền thống.

tu Phật tu Đạo
Một phần của bức tranh “Hiên Viên vấn Đạo đồ” mô tả cảnh Hoàng Đế tới núi Không Động để tìm Quảng Thành Tử cầu Đạo. Hoàng Đế sau này đã để lại Hoàng Đế nội kinh, được xem là một tài liệu làm nền tảng cho Trung Y cổ đại. (Họa sĩ Thạch Duệ thời Minh, Bảo tàng Cố cung Quốc gia Đài Loan, Wikipedia, Public Domain)

Trong “Sử Ký. Biển Thước thương công liệt truyện” có ghi chép về Biển Thước như sau:

Biển Thước sang Tề, Tề Hoàn hầu coi ông như khách. Biển Thước vào triều kiến, nói: “Ngài có bệnh ở da, không chữa bệnh sẽ thêm nặng.” Hoàn hầu nói: “Quả nhân không có bệnh.” Biển Thước đi khỏi, Hoàn hầu bảo tả hữu rằng: “Thầy thuốc hám lợi, định lấy người không bệnh ra chữa để kể công.”

Năm ngày sau, Biển Thước lại vào yết kiến, nói: “Ngài có bệnh ở mạch máu, không chữa e càng thêm nặng.” Hoàn hầu nói: “Quả nhân không có bệnh”. Biển Thước ra về, Hoàn hầu không vui…

Năm ngày sau, Biển Thước lại vào gặp, vừa thấy Hoàn hầu liền bỏ chạy. Hoàn hầu sai người hỏi nguyên do, Biển Thước nói: “Bệnh ở da, dùng thuốc chườm còn kịp; vào đến mạch máu, dùng kim châm còn kịp… Nay bệnh đã vào đến xương tủy, thần không xin được chữa nữa.”

Năm ngày sau, Hoàn hầu đổ bệnh, sai người triệu Biển Thước, Biển Thước đã trốn đi. Thế rồi Hoàn hầu liền chết.

Thánh nhân không để bệnh phát mới chữa

Trong “Sử Ký” viết rằng, Biển Thước có thể nhìn thấu được thân thể người và nhìn xuyên qua tường mà thấy được người hay vật, chỉ có điều ông giữ bí mật, chỉ nói là do bắt mạch chẩn đoán. Vì thế, Biển Thước có thể nhìn được chỗ có bệnh trên thân thể của Tề Hoàn Hầu. Nhưng Tề Hoàn Hầu một mực không tin, đó là bởi vì ông cũng có cảm thụ của mình. Khi ấy, Tề Hoàn Hầu không thấy trên thân mình có chỗ nào khó chịu, nên cho rằng mình khỏe mạnh.

Biển Thước có thể thấy được những chỗ “chưa bệnh”, tức trên thân thể đã có chỗ bệnh biến rồi, chỉ là chưa phát bệnh. Sự phát triển của bệnh tật là có quy luật, trước tiên là ổ bệnh, tức là giai đoạn “chưa bệnh”, sau đó mới xuất hiện bệnh trạng, triệu chứng, tức là vào giai đoạn “đã phát bệnh”. Việc chữa trị ở giai đoạn “chưa bệnh” dễ dàng hơn việc chữa trị ở giai đoạn đã phát bệnh.

Trong “Hoàng Đế Nội Kinh. Tứ khí điều thần đại luận” viết: “Bậc thánh nhân không trị bệnh đã phát mà trị bệnh chưa phát, không trị đã loạn mà trị chưa loạn”, đều là đạo lý này. Bệnh đã hình thành mới trị, xã hội đã rối loạn mới lo chấn chỉnh, khác gì khi khát nước mới lo đào giếng, giặc tới nơi mới đúc binh khí, chẳng phải là đã quá muộn sao?

Cho nên, hết thảy sự tình gì trong thế gian đều phải nhìn thấy rõ được tình thế, phòng ngừa chu đáo, có biện pháp chuẩn bị trước. Đừng để sự tình xảy ra rồi mới xử lý thì đã muộn màng. Cho dù là đạo lý nhân sinh hay chữa trị bệnh cũng đều là như thế.

Trung Y coi trọng “tinh, khí, thần”

Ngày nay chúng ta không thể tìm thấy được vị thần y có y thuật cao siêu như Biển Thước, Hoa Đà… thời cổ đại. Vậy làm cách nào để có thể chữa trị được bệnh khi nó còn chưa phát sinh? Kỳ thực, chúng ta không cần hướng ra bên ngoài mà truy cầu. Có học thuyết cổ đại cho rằng sinh mệnh con người có ba bảo vật là “tinh, khí, thần”. Một người muốn dưỡng sinh trường thọ thì cần giữ gìn 3 yếu tố này.

Cụ thể, theo Trung Y, “dưỡng tinh” cần phải chú ý dinh dưỡng và cân đối, cũng cần chú ý không tiêu tốn tinh lực vào những chuyện như sắc dục trụy lạc. Cách tốt nhất để “dưỡng khí” là học theo người xưa, làm việc gì cũng phải chú trọng tư thế, điều hòa hô hấp, ngày nay còn có những môn khí công. “Dưỡng thần” là cần phải coi trọng đạo đức, bắt đầu từ trong tâm của mỗi người, đối đãi chân thành và lương thiện với mọi người. Làm được ba điều này thì tâm thân đều khỏe mạnh, bệnh tật không xâm lấn.

Cổ nhân rất am hiểu và coi trọng đạo dưỡng “tinh, khí, thần”. Họ ăn uống có tiết chế, sinh sống có quy luật, sinh hoạt không quá lao lực cho nên cơ thể và tinh thần đều khỏe mạnh. Ngày nay một số người uống rượu thay nước, hành vi phóng túng, chuyện phòng the quá độ, hao tổn tinh khí, không biết khống chế cảm xúc, vì vậy sống mấy chục năm đã suy yếu, khi còn tuổi trẻ mà đã bệnh tật quấn thân, thậm chí lìa đời.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: