Một đất nước với những bộ tộc sống du mục trên thảo nguyên lại làm nên điều khó tin trong lịch sử: thực hiện một cuộc chinh phục ngoạn mục từ châu Á sang châu Âu, phía bắc đến tận dải Baikal, phía nam đến sông Hoàng Hà (tức toàn bộ Trung Quốc gồm cả nhà Kim, nhà Tống, Tây Hạ…), phía đông đến sông Tùng Hoa, phía tây đến biển Lý Hải (biển Casienne)… Các cuộc chinh phạt của quân Mông Cổ đã khiến Đế Quốc Mông Cổ trở thành nước có lãnh thổ liền mạch rộng lớn nhất trong lịch sử thế giới, đỉnh điểm diện tích lên đến 31 triệu km2.

Vài đặc điểm giúp quân Mông Cổ trở thành kẻ chinh phục hùng mạnh
(Ảnh minh họa: Gary Todd chụp, National Museum of Mongolia, Ulaanbaatar, Flickr, CC0 1.0)

Biên niên sử châu Âu mô tả một cách kinh hoàng rằng: “Vó ngựa quân Mông Cổ đi đến đâu, cỏ không mọc được đến đó”. Chỉ có vài nước giành chiến thắng trước Mông Cổ, như Đại Việt, Nhật Bản, Chiêm Thành… Trong đó Nhật BảnChiêm Thành được “thiên thời” giúp sức, còn Đại Việt thì nhờ “địa lợi”, “nhân hòa”. Vậy điều gì đã giúp những bộ lạc du mục trên thảo nguyên trở thành một Đế Quốc hùng mạnh gây kinh hoàng khắp thế giới?

Sự đoàn kết và tuân lệnh tuyệt đối

Một trong những điều giúp quân đội Mông Cổ hùng mạnh đó là sự tuân lệnh tuyệt đối. Nhà thám hiểm Giovanni de Pian từng cho rằng những người Mông Cổ “là chủng người biết nghe lệnh nhất thế giới”, họ không nói dối và tin tưởng phục tùng tuyêt đối vào chủ tướng của mình.

Giữa các đơn vị trong quân đội không được phép thuyên chuyển binh sĩ, chính vì thế mà binh sĩ chỉ quen với một tướng chỉ huy và tuyệt đối tuân theo mệnh lệnh từ tướng của mình.

Kỵ binh thiện chiến

Mỗi người lính Mông Cổ đều là những kỵ binh thiện chiến, cả một đời họ lớn lên trên lưng ngựa, ăn trên lưng ngựa, ngủ trên lưng ngựa và chết trên lưng ngựa. Thói quen này khiến những kỵ binh ngồi trên lưng ngựa cảm thấy vô cùng mạnh mẽ và vững vàng.

Phi ngựa bắn tên đối với binh lính thông thường là rất khó, phải trải qua luyện tập, nhưng kỵ binh Mông Cổ đều là những tay thiện xạ, có thể vừa phi ngựa vừa bắn trúng mục tiêu, vì thế mà khiến đối thủ bất ngờ hoảng sợ. Mỗi kỵ binh Mông Cổ có 3 đến 4 con ngựa. Việc thay đổi ngựa giúp kỵ binh có thể đi với tốc độ cao mà ngựa không bị đuối sức.

Học hỏi từ đối thủ, quen với thực chiến

Là một dân tộc sống trên thảo nguyên, người Mông Cổ vốn mê săn bắn từ nhỏ, vì thế mà quân Mông Cổ thường tổ chức các cuộc đi săn kết hợp với luyện binh, binh sĩ rất tinh nhuệ. Quân Mông Cổ cũng được rèn luyện rất tốt, thuần thục trên thực địa, binh lính của họ có thể tự thích nghi xoay sở mà không có người chỉ huy ở bên.

Quân Mông Cổ cũng học hỏi rất nhanh, khi họ đánh bại đội quân nào thì đều học hỏi những kẻ bại trận, nhất là những vũ khí độc đáo của họ. Vì thế mà quân Mông Cổ có nhiều vũ khí hiện đại như máy bắn đá, hỏa pháo, v.v..

Quân Mông Cổ còn được trang bị loại lụa đặc biệt bên trong áo giáp. Nếu một mũi tên xuyên qua lớp giáp bên ngoài vào cơ thể thì lớp lụa phía trong sẽ bọc lấy đầu mũi tên xuyên vào cơ thể. Thông thường muốn lấy tên ra khỏi cơ thể thì phải mổ khiến vết thường lớn hơn, nhưng vết thương có bọc vải lụa thì không cần mổ mà chỉ cần cầm vải lụa đẩy ngược mủi tên ra rất dễ dàng khiến viết thương không rộng thêm, mau lành hơn, người lính cũng có thể tự lấy tên ra được, sau đó nhanh chóng băng bó, người bị thương không mất nhiều máu.

Tướng chỉ huy dựa vào năng lực

Mông Cổ xây dựng đơn vị quân nhỏ nhất là 10 người, lớn nhất là 1 vạn người. Một người lính được nâng cấp bậc dựa vào chiến công và năng lực của họ, chứ không phải dựa vào sự giới thiệu hay quen biết. Điều này đã giúp Mông Cổ có những dũng tướng giỏi nổi tiếng thế giới như Tốc Bất Đài, Triết Biệt… Mỗi tướng Mông Cổ đều rất sáng tạo, có nhiều lối đánh khác nhau, có khả năng điều binh khiển tướng, bày binh bố trận đa dạng.

Những điều này đã biến quân Mông Cổ trở nên vô cùng thiện chiến, những chiến thắng vang dội của họ hầu hết là dùng quân ít mà thắng quân nhiều. Vó ngựa kỵ binh Mông Cổ gây kinh hoàng khắp nơi.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: