Vào thời nhà Nguyễn, phụ nữ đức hạnh, đàn ông có nghĩa khí, con cái hiếu nghĩa sẽ được địa phương tâu về Kinh thành. Sau khi Triều đình cử người xác thực rồi, họ sẽ được Vua ban thưởng khuyến khích, thành niềm tự hào của dòng tộc và xóm làng.

Vài tấm gương phụ nữ đức hạnh thời nhà Nguyễn
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

“Đại Nam thực lục chính biên” có ghi chép năm 1822 vua Minh Mạng xuống chiếu rằng:

“Tôi trung con hiếu, đàn bà tiết liệt, đàn ông nghĩa khí, rất nên khuyến khích. Từ xưa kính trọng tuổi tác, ưu đãi bậc già, cất nhắc người hiếu, nêu khen người liêm, đều là để rèn luyện phong hoá cho dân, sáng tỏ trị giáo của nước, để dẫn cuộc đời đến chốn nhân thọ.

Trẫm kính nối nghiệp lớn, mở rộng đạo trị, phàm là trung thần thì phong tước mà thờ cúng, là liệt nữ thì ban biển mà nêu khen, điển lệ có đủ.”

Thời đó, những phụ nữ được xem là “liệt nữ” (có ý chí kiên trinh giữ vững đạo nghĩa), “tiết phụ” (chung thủy với chồng), “nghĩa phụ” (làm việc nghĩa), thường được thưởng đất tự điền, lụa là, vàng bạc, hoặc được Vua ban cho sắc tứ.

“Châu bản triều Tự Đức” có ghi chép về quy định ban thưởng cho phụ nữ tiết hạnh như sau:

“Từ nay phàm những tiết phụ, người nào từ hai mươi tuổi trở xuống mà ở vậy, bất luận có con hay không mà thủ tiết đến ngoài năm mươi tuổi, có sự trạng xuất sắc như tự vẫn để thủ tiết đều xin chiếu theo lệ hạng ưu thưởng bốn mươi lạng bạc, hai tấm lụa màu, một tấm biển ngạch. Hoặc người nào từ hai mươi tuổi trở xuống, không có con, tuy sự trạng không được như loại trên nhưng chỉ lấy một chồng, không tái giá, làng xóm đều khen là thủ tiết, xin nên chiếu lệ hạng trung, thưởng ba mươi lạng bạc, một tấm lụa màu, một tấm biển ngạch”.

Phần thưởng lớn nhất cho phụ nữ đức hạnh chính là được Vua ban cho bảng vàng để lưu lại muôn đời. Theo “Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ” thì thời nhà Nguyễn, người phụ nữ tiết hạnh đầu tiên được nhận bảng vàng là bà Nguyễn Thị Phiễu ở Bình Định vào năm 1820. Bảng vàng phía trên có khắc 2 chữ “sắc tứ”, giữa khắc 4 đại tự. Niên hiệu, ngày tháng, quê quán, công trạng… được khắc bên dưới, xung quanh chạm trổ, vẽ hoa, sơn son thiếp vàng.

Những câu chuyện về tấm gương phụ nữ đức hạnh cũng được lịch sử ghi lại. Cuốn “Minh Mạng chính yếu” do Quốc Sử Quán biên soạn có ghi chép sự việc xảy ra vào năm 1829:

“Có người đàn bà họ Dương, người huyện Vĩnh An, thành Gia Định, chồng bị ác tật, nhà nghèo, người chủ nợ ưa thích sắc đẹp, muốn tư thông với Dương Thị, hoặc đem lợi dụ, hoặc dùng uy quyền để dọa nạt. Dương Thị cương quyết không chịu, sau bị đâm chết”.

Quan đứng đầu thành Gia Định đem việc ấy tâu lên, Vua liền truyền lệnh cấp cho biển ngạch khắc 4 chữ: “Dương Thị trinh phụ” (người phụ nữ trinh tiết họ Dương). Vua lại ban dụ rằng: “Vì phong tục thành Gia Định, mượn việc này để khuyên người ta giữ trinh tiết, nếu người hạt khác, chưa xứng đáng”.

Cuốn “Đại Nam nhất thống chí” có ghi chép rõ thêm các thông tin chi tiết:

“Dương Thị Ư, người huyện Đông Xuyên, lấy chồng là Nguyễn Văn Nhị, nhà nghèo, chồng lại bị chứng phong, người chủ nợ là Dương Thìn, thấy thị có nhan sắc, nhiều lần muốn cưỡng ép, thị một mực không chịu, sau bị nó (tức Dương Thìn) giết. Năm Minh Mạng thứ 10 được biểu dương”.

Các câu truyện về phụ nữ đức hạnh trong sử sách đều nêu rõ “sự trạng” nhằm lưu lại tấm gương cho đời sau. “Châu bản triều Tự Đức” có ghi chép:

“Trần Thị Ốc tuổi xanh, không có con, thủ goá thờ chồng. Hiện nay tuổi đã năm mươi sáu, chỉ theo một chồng, rất đáng khen thưởng. Lê Thị Huyên quá hai mươi tuổi, chồng mất, có con, theo lệ thưởng xét chỉ là thứ hạng. Nhưng người con này lại mất tiếp, Thị ở một mình cùng người con dâu là Thị Ốc, cùng thủ tiết.”

Ở xã Yên Phú, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình có người là Đinh Thị Phức “vào năm 16 tuổi lấy chồng người xã đó, sinh được một con trai nhưng ngay sau đó chồng bà ta bị bệnh mất khi bà mới mười chín tuổi. Bởi có nhan sắc nên sau đó nhiều người đến hỏi làm vợ nhưng bà ta không chịu cải giá. Đến nay bà ta đã năm mươi sáu tuổi. Tỉnh thần đó cho cứu xét thấy đúng sự thực làm đủ tờ tâu đợi chỉ để ban thưởng”.

Ở Thanh Hóa có người phụ nữ tên là Lê Thị Đoan, “năm 25 tuổi chồng chết, không có con trai, thề bạc đầu thủ tiết nuôi dưỡng cháu chồng mới hai tuổi mất mẹ, tên là Nguyễn Sĩ Độ, coi như con và khi trưởng thành theo khoa nghiệp, nay thi trúng hai khoa tú tài.”

Ở Hải Yên có Trần Thị Cẩn “tuổi 16, sinh được một con trai, mới lên 2 tuổi thì người chồng tên là Trần Huy Lưu chết. Thị không chịu lấy chồng khác mà ôm con về quê cha mẹ, thủ tiết nuôi con. Thần bộ vâng xét Trần Thị Cẩn tuổi trẻ chồng mất mà thủ tiết, bị cường hào ép lấy, thị không chịu, trở về nhà mẹ đẻ để tránh nhưng các kỳ giỗ lạp hàng năm của chồng, cậu, cô vẫn thường đi lại thờ cúng. Viên Đốc thần ấy đã xét lại quả là xác thực. Thị ấy nên chăng chiểu theo loại tiết phụ hạng thứ để ban thưởng mười lạng bạc”.

Cũng có những tấm gương được phong tặng “biển ngạch” truyền lại cho đời sau. Ví như “Nguyễn Thị Tú 21 tuổi, chồng chết, không có con cái mà đã thề không đi bước nữa. Có sự trạng rõ ràng, nhảy xuống bến sông Bình Giang tự vẫn được người trong thôn cứu sống, có đủ hàng xóm họ tộc chứng nhận, nghĩ nên sửa theo hạng ưu, theo lệ thưởng cho hai mươi lạng bạc, hai tấm lụa Nam Sa, một tấm biển ngạch”.

Nguyễn Thị Hai ở Hà Nội “quyên sinh giữ tiết hạnh… truyền giao thưởng cho một tấm biển, ngoài ra đã biết. Châu phê: Treo biển ở nơi thị ấy tuẫn tiết và cấp hai trăm quan tiền để tu sửa cho đẹp đẽ”.

Với những người thủ tiết thờ chồng, nếu người nhà phạm tội thì cũng được xử nhẹ bớt. “Tòng phạm Hoàng Văn Hổ theo luật phải xử phát lưu nhưng nghĩ mẹ tên ấy thủ tiết đã hơn ba mươi năm mà tên ấy là con trai độc nhất nên gia ân truyền phạt đánh gậy, lệnh cho lí dịch địa phương đó nhận về để y phụng dưỡng mẹ già, đợi khi việc phụng dưỡng xong, chiểu lệ giải quyết”.

Có thể thấy phần lớn các tấm gương phụ nữ đức hạnh thời nhà Nguyễn là liên quan tới việc thủy chung giữ gìn trinh tiết, chăm lo cho con cháu trong gia đình. Mặc dù ngày nay thoạt nghe có vẻ lạ lẫm, nhưng ngẫm kỹ ra, những điều này ở thời kỳ xã hội nào mà nói cũng thật là đáng quý.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: