Cứ mỗi độ tết trung thu đến, ngẩng đầu nhìn trăng sáng, người ta lại nhớ về những truyền thuyết liên quan đến ngày tết ý nghĩa này, phổ biến nhất có lẽ là truyền thuyết về Hằng Nga và thỏ ngọc. Những câu chuyện này bên cạnh sự huyền ảo ra, còn mang ẩn ý tu luyện sâu sắc.

Vài truyền thuyết về tết trung thu mang nội hàm của văn hóa tu luyện
Tranh ngắm trăng thời xưa. (Tranh minh họa: Thời Thanh, Public Domain)

Hằng Nga uống tiên dược

Truyền thuyết về Hằng Nga bay lên cung trăng có lẽ là truyền thuyết được lưu truyền rộng rãi nhất về ngày tết trung thu tại phương Đông ngày nay.

Tương truyền rằng, Hằng Nga và Hậu Nghệ đều là người mang sứ mệnh với Trời. Thiên mệnh an bài cho cả hai xuống nhân gian cứu người, viết nên một trang huyền sử thời kỳ bán Thần, cũng tương tự như thời kỳ của những người anh hùng bán Thần trong Thần thoại Hy Lạp vậy.

Bấy giờ là thời yêu ma tác loạn, mười mặt trời xuất hiện cùng lúc trên bầu trời, khiến cho nhân gian khô cằn, cây cối héo rũ, sinh linh lầm than, con người chịu đựng cái nóng gay gắt.

Hậu Nghệ sinh ra có sức khỏe hơn người, kết duyên cùng Hằng Nga. Hậu Nghệ vì mong muốn cứu vớt sinh linh mà trải qua nhiều gian nan vất vả, được các vị Thần linh bảo hộ, có được pháp môn tu luyện, lại được ban cung thần, tên thần, bắn hạ liên tiếp chín mặt trời, giải trừ được khó nạn cho hạ giới.

Vì được dân chúng kính yêu nên Hậu Nghệ đã trở thành quốc vương Hữu Cùng thị. Hằng Nga là vợ của Hậu Nghệ, một người xinh đẹp như tiên nữ, vừa ôn nhu lại tài đức trí tuệ, xứng đáng là mẫu nghi thiên hạ. Trong lúc Hậu Nghệ trên hành trình gian nan thì Hằng Nga ở lại chăm sóc dân chúng, cũng chịu đủ cực khổ đắng cay.

Biết Tây Vương Mẫu ở núi Côn Lôn có tiên dược trường sinh bất tử, Hậu Nghệ đã lên núi Côn Lôn thỉnh cầu Tây Vương Mẫu ban cho tiên dược. Tây Vương Mẫu đã ban cho Hậu Nghệ tiên dược. Theo truyền thuyết, tiên dược này nếu một người uống sẽ được thăng thiên, nếu hai người mỗi người uống một nửa thì sẽ có thể ở phàm trần sống trường sinh bất lão.

Sau khi Hậu Nghệ xin được tiên dược về, vào đúng ngày trăng tròn trung thu, cuộc sống của họ đã xảy ra sự biến động lớn.

Theo sách cổ “Quy tàng”, một trong ba sách thời thượng cổ ghi chép lại, Hằng Nga sau khi uống tiên dược Tây Vương Mẫu cho liền nhẹ nhàng bay lên, bay mãi cho đến lúc hạ xuống mặt trăng. Sách cổ “Liên Sơn” viết rằng Hằng Nga lén lấy tiên dược uống vào mà bay đến mặt trăng.

Vì sao Hằng Nga uống tiên dược, một mình thăng thiên?

Có nhiều thuyết pháp khác nhau, trong đó có một thuyết pháp nói rằng Hậu Nghệ sau khi bắn hạ chín mặt trời, trừ hại cho chúng sinh, được vạn dân yêu kính, thì sinh ra tâm kiêu ngạo, càng ngày càng ngông cuồng, phóng túng bản thân, sống xa hoa dâm đãng.

Vì Hậu Nghệ bắt đầu đối xử vô đạo với chúng sinh nên Hằng Nga suy nghĩ cho dân chúng, không muốn để cho bạo quân trường sinh bất lão, đã một mình uống tiên dược trở về Trời.

Cũng có thuyết cho rằng Hằng Nga và Hậu Nghệ đều mang Thiên mệnh, bởi vậy mỗi người đều đang tu luyện. Hằng Nga dù không oanh oanh liệt liệt như Hậu Nghệ, nhưng thầm lặng mà đạt được thành tựu. Hậu Nghệ bởi vì kiêu ngạo mà trầm mê nơi nhân thế, không thể quay trở về. Do đó cuối cùng đến ngày viên mãn, Hằng Nga “bạch nhật phi thăng”, bay trở về Trời.

Trải qua hơn bốn ngàn năm, truyền thuyết Hằng Nga nhắc nhở con người không quên sự tồn tại của tiên giới cũng như những hiểu biết thâm sâu về Đạo – quy luật của vũ trụ – mà các bậc Giác giả để lại. Đây cũng chính là văn hóa tu luyện trong nền văn minh nhân loại. Thần tích sẽ chỉ triển hiện khi con người có thể siêu thoát khỏi cõi mê nơi phàm trần, tận dụng cơ duyên để trở về nơi tốt đẹp hơn, cũng là cội nguồn của sinh mệnh.

Thỏ Ngọc lên cung trăng

Ngày tết trung thu, nhắc tới Hằng Nga thì không thể không nhắc tới thỏ ngọc. Trên cung trăng có thỏ ngọc làm bạn với Hằng Nga. Có một vài truyền thuyết về thỏ ngọc được lưu truyền đến ngày nay.

Trong kinh điển Phật giáo “Bổn sinh kinh” có ghi câu chuyện thỏ ngọc thăng thiên. Tương truyền rằng, xưa kia có bốn loài động vật gồm: hồ ly, rái cá, khỉ và thỏ hàng ngày đều đến chỗ một người tu đạo để nghe Đạo. Có một năm xảy ra đại hạn, người tu đạo sắp sửa qua đời. Bốn con vật đều muốn giữ ông ở lại nên đã cùng nhau đi tìm đồ ăn cho người tu đạo. Nhưng vì hạn hán, cây cối chết hết nên chúng không thể tìm được gì để ăn. Cuối cùng, thỏ ngọc đã lao mình vào trong lửa, tự nướng mình để làm thức ăn cho người tu đạo. Lúc này, người tu đạo mới hiển lộ ra rằng ông đã đắc Đạo, thi triển Thần thông của mình và vẽ một chú thỏ lên mặt trăng để cho linh hồn thỏ được trường tồn cùng ánh trăng.

Trong “Đại Đường tây vực ký” cũng có ghi chép một câu chuyện về thỏ ngọc thăng thiên. Chuyện kể rằng ở trong rừng rậm có ba con là thỏ, hồ ly và khỉ làm bạn của nhau. Một ngày nọ, có một ông lão đói khát, dáng người mệt mỏi ngất xỉu trước nơi ở của chúng. Mặc dù ba con vật đã cố gắng đi tìm đồ ăn cho ông lão nhưng bởi vì thời ấy loạn lạc lại mất mùa nên chúng không tìm được thứ gì. Con thỏ vì để cứu ông lão đã tự nguyện hy sinh chính mình, trở thành món ăn. Lúc con thỏ thiếp đi, đã có một bàn tay ấm áp tiếp đón nó lên Thiên thượng.

Hình tượng thỏ ngọc trong dịp tết trung thu bởi vậy không phải là một con thỏ bình thường. Từ xa xưa, “ngọc” tượng trưng cho phẩm hạnh đạo đức cao thượng, bởi vậy thỏ ngọc chính là một cảnh giới thăng hoa của sinh mệnh. Vì người khác, thỏ ngọc có thể hoàn toàn buông tha sinh tử, không màng tới an nguy của bản thân, vậy nên cảnh giới của thỏ ngọc đã thoát khỏi cõi phàm trần. Vì xả thân cứu người mà được thăng Thiên, đây cũng chính là thiện có thiện báo.

Sinh mệnh thâm sâu nhất của con người là sinh ra trong vũ trụ này, là thiện lương. Nhưng ở nhân thế, con người chịu ảnh hưởng của xã hội mà sinh ra tâm toan tính, so đo, tranh đấu… Bởi vì con người tự tư mà cũng trầm luân trong luân hồi và đau khổ. “Thỏ ngọc” ở một ý nghĩa nào đó là tượng trưng cho sinh mệnh con người. Nếu con người có thể làm được vị tha, làm được buông tha cho hết thảy sự tự tư, thì sẽ đắc Đạo, cảnh giới sẽ siêu xuất khỏi nhân thế.

Theo The Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời nghe radio: