Trong những bài truyền bá ở hiệp hội thợ thuyền này, có một đề tài được cho rằng không nên bỏ qua, đó là văn chương, một nghệ thuật giúp ta mở rộng tầm mắt và trái tim trước cái đẹp, cái chân thật, những điều thiện lành.

Ở nước Anh, trong Hải quân Hoàng gia Anh, chạy xuyên suốt các dây kéo buồm, các dây thừng lớn nhỏ, là một sợi chỉ đỏ, biểu thị rằng con tàu này thuộc về ngôi vua; còn trong suốt đời một con người cũng có một sợi chỉ, thực sự là vô hình, cho thấy chúng ta thuộc về Chúa.

Nghệ thuật văn chương sẽ giúp chúng ta tìm thấy sợi chỉ này trong mối ràng buộc lớn nhỏ của cuộc đời mình và chung quanh, và với văn chương ở nhiều hình thức đa dạng. Holberg đã thể hiện nó trong các vở hài kịch của ông, cho chúng ta thấy những con người của thời đại ông với những nhược điểm lẫn những phẩm chất buồn cười của họ, và ta có thể hiểu được rất nhiều điều qua những tác phẩm này.

Vào thời xa xưa nhất, văn chương chủ yếu là những câu chuyện được gọi là thần tiên, cổ tích. Bản thân Kinh Thánh cũng chứa đựng chân lý và minh triết trong những câu chuyện mà ta gọi là ngụ ngôn và phúng dụ.

Bây giờ tất cả chúng ta đều biết những ngụ ngôn đó không phải được hiểu theo nghĩa đen mà bằng ý nghĩa ẩn chứa, bằng sợi dây vô hình xuyên suốt những gì được kể. Chúng ta biết rằng khi nghe thấy tiếng vọng từ bức tường, tảng đá hoặc đỉnh núi cao, thì đó không phải là bức từng, tảng đá và núi cao lên tiếng mà là tiếng vọng của chính bản thân ta.

Và do đó, chúng ta cũng sẽ thấy trong các câu chuyện ngụ ngôn, phúng dụ chúng ta tìm thấy chính mình – tìm thấy ý nghĩa, sự hiểu biết và niềm vui mà câu chuyện có thể mang lại cho bản thân.

Vì vậy, nghệ thuật văn chương cũng ngang hàng với khoa học, nó mở rộng tầm mắt cho chúng ta trước cái đẹp, cái chân thật, những điều thiện lành. Thế cho nên, bây giờ chúng ta sẽ nghe đọc ở đây vài truyện thần tiên.

*

Các bạn có thấy đoạn văn trên thế nào? Nó thật hiện đại phải không?

Đấy chính là những lời mở đầu mà nhà văn Andersen đã nói trước một hiệp hội thợ thuyền được thành lập ở Copanhagen (thủ đô nước Đan Mạch) năm 1857.

Một bài nói cách ngày nay 165 năm!

Nó nói lên rất nhiều điểu! Trong khoảng những năm đó, ở Việt Nam ta làm gì có một nhà văn, xuất bản sách, bán cho công chúng và đọc tác phẩm trước công chúng với nhận thức như trên?

Mới hay, văn hóa đọc song hành với sự văn minh và thúc đẩy sự văn minh của xã hội nhịp nhàng như thế nào.

Thế nên, thật buồn khi ở thế kỉ 21 này, có người ở nước ta vẫn hỏi “Sách rồi đọc sách ích gì cho cuộc sống hay không?”.

Văn chương ích gì cho giới thợ thuyền - người lao động?

Nguyễn Quốc Vương

Đăng lại từ Facebook tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tìm mua sách qua Nhà sách Vương gia

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:

Mời xem video: