Chỉ vài chục năm về trước, người Việt từng si mê dòng truyện chưởng Trung Hoa với những Thiên Long Bát Bộ, Lục Tiểu Phụng, Cô Gái Đồ Long, Việt Nữ Kiếm, Hiệp Khách Hành… cùng các loạt phim truyền hình ăn khách như Tây Du Ký, Tam Quốc Diễn Nghĩa, Bao Thanh Thiên, Anh Hùng Xạ Điêu… Có thể nói những tác phẩm này đã làm nên tuổi thơ của một thế hệ người Việt. Nhưng ít ai để ý rằng đây chính là một sự trỗi dậy của văn hóa tu luyện – những điều thâm sâu nhất trong lòng người phương Đông, sau khi họ trải qua một thời kỳ chịu ảnh hưởng của cuộc Đại Cách mạng Văn hóa với mục đích tiêu hủy sạch mối dây liên kết của thế nhân với truyền thống.

Văn hóa tu luyện và điều ít biết đằng sau cơn sốt "tiên hiệp" một thời
Bộ tranh khắc mô tả tiểu thuyết “Anh hùng xạ điêu” nổi tiếng một thời. (Ảnh: Wpcpey, Wikipedia, CC BY-SA 4.0)

Nếu thử ngẫm lại, bao trùm lên những tình tiết gay cấn của mỗi tác phẩm nói trên, chúng ta đều thấy được không chỉ tinh thần hiệp nghĩa, chính nghĩa, mà còn thấy được những gia phái lớn của văn hóa tu luyện – không phải là Phật gia thì là Đạo gia, cá biệt cũng có Kỳ môn tu luyện. Tất nhiên, võ thuật chỉ là một phần nhỏ của tu luyện, nhưng nó là hình thức dễ dàng phóng tác nhất, và cũng dễ dàng lôi cuốn được sự chú ý của người ta nhất vào thời bấy giờ. Văn hóa tu luyện dưới hình thức võ thuật đã đến và được giới trẻ bình dân tiếp nhận theo một hình thức kỳ lạ như vậy.

Đây là một thời kỳ.

“Trường giang sóng sau dồn sóng trước”, giữa những năm 2000, một thời kỳ mới bắt đầu, một cơn sốt mới cập bến Việt Nam, chỉ không lâu sau khi nó có mặt tại Trung Quốc. Đó chính là phong trào truyện tiên hiệp. Lần này, cơn sốt của giới trẻ trực tiếp vượt lên rất xa khái niệm võ thuật, mà sử dụng đầy rẫy từ ngữ trong văn hóa tu luyện: tu luyện giả, tu tâm giả, tu tiên giả, tu sĩ, Phật giới, Đạo giới, Tiên giới… Thế giới được xây dựng trong truyện cũng tràn ngập các loại phép thuật, trường sinh, pháp bảo…

Mô-típ của loại truyện tiên hiệp này thường là như sau: Một người phàm, từ chỗ không biết gì, tiếp xúc với tu luyện giới, từ đó mà bước lên con đường tu luyện. Trên con đường này rất nhiều chuyện đã xảy ra, có khổ tu trăm năm, có ân oán tình thù, có giao tranh đấu đá, tìm kiếm bảo vật, luyện đan trường sinh, chém giết quái thú… để rồi cuối cùng người đó ngày càng đạt được cảnh giới cao hơn, đứng đầu thế giới, thậm chí đứng đầu Tiên giới, hoặc đứng đầu các Đại Thế giới, các Vũ trụ khác nhau, v.v…

Con sot tien hiep 02
(Tranh minh họa: Liu Zishan, Shutterstock)

Dõi mắt sang phương Tây, thời kỳ này tương ứng cũng xuất hiện những thể loại truyện tương tự, các thế giới đã mất, các truyền thuyết về phép thuật, về huyền năng, về các vị Thần… cũng xuất hiện trong các tiểu thuyết ăn khách bậc nhất.

Vì sao xuất hiện cơn sốt này? Chúng ta sẽ bàn tới ở các phần sau. Nhưng có thể nói đây lại là một thời kỳ nữa.

“Bình dân hóa” quá mức và hệ quả

Đến khoảng những năm 2010, khi truyện ngôn tình bắt đầu làm mưa làm gió trong giới trẻ, thì phong trào phim và truyện tiên hiệp kết hợp với ngôn tình tạo thành một thể loại mới. Với xu hướng ngày càng chú trọng vào phía ngôn tình, tác động vào mặt tình cảm nhằm thu hút giới trẻ, các giá trị đạo đức, chính nghĩa trong những tiểu thuyết này theo thời gian ngày càng biến mất, hay thậm chí là đảo ngược lại. Lúc này người ta có thể chứng kiến một loại mô-típ hoàn toàn khác.

Ví dụ rõ nhất là chỉ mới vài năm trước, trào lưu “Độ ta không độ nàng” từng gây sóng mạng xã hội Việt. Đại khái đó là một bài hát ăn theo phong trào phim cổ trang tu tiên kết hợp ngôn tình, nói về chuyện tình si của một nàng quận chúa với một hòa thượng. Sau này quận chúa chết thảm, hòa thượng thôi không gõ mõ tụng kinh nữa, trả lại áo cà sa, hận vì sao Phật độ ta không độ nàng, rồi nhập ma đạo…

Ngẫm lại thì trong dòng chảy tiên hiệp kết hợp ngôn tình, “Độ ta không độ nàng” kỳ thực chỉ là giọt nước tràn ly, chỉ là một trào lưu rồi sẽ tàn lụi để rồi một trào lưu tương tự lại sẽ bắt đầu. Tuy nhiên có thể thấy rõ rằng sự phóng tác bên trong các tác phẩm hiện đại này đã đi quá xa khỏi thực tế. Người ta có thể dễ dàng bắt gặp trong trào lưu này những lý giải kiểu như: giết người vạn dặm vì tình yêu; ma không hẳn là xấu, Thần Phật cũng chẳng có gì là tốt đẹp; ta là Trời, Trời cũng không cản được ta; Thần cản giết Thần, Phật cản giết Phật, v.v.. Và ít ai đủ tỉnh táo để nhận ra rằng những lý niệm cực đoan như vậy đã khiến giới trẻ mê đắm và chối bỏ tất cả những điều tốt đẹp nhất trong văn hóa truyền thống: sự chính nghĩa, sự vị tha, lòng kính Trời, lòng kính Thần…

Con sot tien hiep 05
Thế giới “tiên hiệp” cuối cùng đã trở nên hỗn loạn trong quá trình phóng tác. (Ảnh: Poster của một trò chơi “tiên hiệp”)

“Văn hóa tu luyện” thời cổ đại thật ra có một tiêu chuẩn vô cùng nghiêm khắc. Chúng ta thường thấy trong phim ảnh hiện đại hay có tình tiết: người vừa phạm pháp hoặc giết người, liền xuất gia tu hành làm hòa thượng, để trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật. Tuy nhiên thời xưa việc xuất gia tu hành không hề dễ dàng như vậy và yêu cầu cũng khắt khe hơn ngày nay rất nhiều.

Thời cổ, hầu như tất cả mọi người đều tôn kính Thần Phật. Ngay cả Vua, Hoàng Đế gặp cao tăng cũng cúi đầu thăm hỏi một cách tôn kính, chứ không có chuyện cao tăng phải quỳ gối dập đầu trước bậc Chí Tôn. Đó là vì bất cứ ai cũng vô cùng kính trọng đạo đức, học vấn và phẩm hạnh của những người xuất gia. Ai cũng xem người tu luyện là tấm gương tại nhân gian để noi theo.

Bên cạnh các tiêu chuẩn bề mặt như ý chí kiên cường, khả năng chịu khổ, chưa từng phạm tội, đôi khi còn phải thi lấy bằng “Độ điệp” trước khi xuất gia, thì kỳ thực người xuất gia thời xưa đều hiểu rằng đã xuất gia rồi là phải “xả tận hết thảy”, nếu không thể “xả tận” thì đừng xuất gia. Mà trong “xả tận” này thì sắc và tình là giới cấm vô cùng quan trọng. Cha mẹ vợ con đến tìm thì xưng là “thí chủ – bần tăng”, đó chính là đoạn tuyệt hết thảy với sắc tình, cũng là phần vị tư lớn nhất trong mỗi con người.

Văn hóa tu luyện và điều ít biết đằng sau cơn sốt "tiên hiệp" một thời
Tượng Huyền Trang, một vị hòa thượng nổi tiếng thời Đường, cũng là nhân vật chính trong Tây Du Ký. Cuộc đời thật của ông là một minh chứng cho sự nghiêm khắc và thâm sâu của văn hóa tu luyện. (Ảnh: Chuyuss, Shutterstock)

Người tu luyện chân chính xưa kia hiểu rằng tu luyện là quá trình buông xả cái “vị tư”, cái tình riêng của bản thân để đạt đến trạng thái “vị tha” và từ bi với vạn sự vạn vật. Tu hành không biến con người ta thành vô tri vô giác như đá, như gỗ, cũng không buồn chán, mà chính là quá trình tìm ra sự an lạc, thanh thoát tự trong tâm, không còn bị những hỷ nộ ái ố của người thường khống chế nữa. Ví như một người mẹ có thể yêu thương con mình, nhưng khó lòng yêu thương con của người khác. Còn người tu luyện chân chính lại có thể làm được việc đối xử từ bi với người khác như với chính bản thân mình.

Nhưng khi văn hóa tu luyện được “bình dân hóa” thì theo thời gian trôi qua, những vấn đề lớn cũng xuất hiện. Thời hiện đại, cùng với việc con người gán Chúa vào trong những cụm từ cảm thán, thậm chí mạ lỵ như “Oh my God!”, như “Oh my *** God!” ở phương Tây, thì ở phương Đông, Thần Phật cũng bị nhắc đến một cách hết sức báng bổ. Phật xuất hiện trong các món ăn như “Phật nhảy tường”, ý rằng đến Phật còn phải nhảy qua tường mà ăn khi ngửi thấy mùi thơm. Rồi những câu hỏi ngây ngô kiểu như: “Vì sao Phật độ ta không độ nàng?” Đối với người tu hành chân chính, những người tu Đạo tu Phật mà nói, thì đó quả là một sự xúc phạm lớn.

Phật Thích Ca Mâu Ni bỏ lại sau lưng vương vị và người vợ tuyệt sắc để tu hành tìm ra chân lý, rồi để lại cho nhân loại con đường tìm Đạo của ngài. Xưa nay dù có tu hành hay không, người ta đều hiểu được vì sao ngài lại vứt bỏ sau lưng những điều mà một người thường trân quý nhất. Kỳ thực, không chỉ phổ biến trong Phật giáo ở phương Đông, những tín ngưỡng phương Tây cũng tràn ngập những câu chuyện như vậy. Chẳng phải Kitô giáo cũng có chuyện Chúa Giê-su ba lần vượt qua cám dỗ của ác quỷ hay sao?

Tuy nhiên còn có một điều quan trọng hơn rất ít được để ý tới bên trong những con sóng mà chúng ta đề cập tới ở trên…

“Vận động tạo Thần”

Ít ai biết rằng đằng sau cơn sốt truyện chưởng và tiên hiệp ở Trung Quốc là một nguồn cảm hứng vô cùng lớn đến từ đời thực. Nguồn cảm hứng ấy mới chính là duyên cớ thực sự đằng sau sự lên ngôi của các tiểu thuyết võ hiệp và tiên hiệp.

Xuất hiện vào giữa thời Đại Cách mạng Văn hóa và lên thành cao trào vào thời kỳ cuối, một điều chưa từng có trong lịch sử nhân loại đã diễn ra: hàng nghìn môn khí công đột nhiên xuất hiện tại Trung Quốc, tạo nên một phong trào thu hút hàng trăm triệu người dân. Thời bấy giờ ở Trung Quốc Đại Lục, có người còn gọi phong trào này là “Vận động tạo Thần”, vì sao lại như vậy?

Nhiều người nhầm tưởng rằng khí công là sản phẩm của con người hiện đại, dạy hô hấp tập thở, dùng để chữa bệnh khỏe thân. Tuy nhiên rất nhiều môn khí công loáng thoáng có bóng dáng của Đạo gia và Phật gia trong đó. Những môn nổi tiếng nhất thì đều có lịch sử tu Đạo, tu Phật, như Thái Cực Quyền, Ngũ Cầm Hý, Dịch Cân Kinh, v.v..

Tượng Phật Lư Xá Na ở hang đá Long Môn và huyền cơ thời mạt thế
Tượng Phật Lư Xá Na trấn giữ hang Long Môn, giữa một quần thề 100.000 bức tượng trải 2.345 hang đá. (Ảnh: Bule Sky Studio, Shutterstock)

Kỳ thực sự xuất hiện của khí công chính là sự cố gắng tiếp nối mạch truyền thừa văn hóa tu luyện cổ xưa dưới một hình thức khác. Một nguyên nhân quan trọng khiến khí công ra đời chính là cuộc Đại cách mạng văn hóa tại Trung Quốc. Trong bối cảnh tư tưởng cực tả nghiêm trọng, người ta đều tránh để không bị dán nhãn “mê tín”. Bên trong kiếp nạn, nhiều môn phái đã lựa chọn hình thức không lưu lại giáo lý tu tâm, chỉ lưu lại động tác tu thân để truyền bá phổ cập. Bản thân từ “khí công” là lấy “khí” “công” từ hai cuốn sách cổ Đan Kinh và Đạo Tạng, ghép lại mà thành. Vậy là “khí công” xuất hiện.

Sự tràn ngập các môn các phái khí công thời kỳ này cũng không phải là điều gì khó hiểu. Phật gia giảng tu luyện có 84.000 pháp môn, còn Đạo gia thì giảng có 3.600 pháp môn. Nhưng các phương pháp tu luyện phổ biến mà con người hiện nay biết chỉ có vài loại như Thiền tông, Tịnh Độ, Hoa Nghiêm, Tạng Mật, Khổng giáo, Lão giáo, v.v… Thậm chí có nhiều giáo phái của Phật gia là không có quan hệ với Thích giáo (mà ngày nay gọi là Phật giáo) như Bạch Giáo của Tây Tạng. Ngoài ra còn rất nhiều những phương thức tu luyện khác chưa được phổ truyền hoặc không mang hình thức tôn giáo, mà nhiều người không nhận thức hết được, vô cùng phong phú.

tu Phật tu Đạo
Một phần của bức tranh “Hiên Viên vấn Đạo đồ” mô tả cảnh Hoàng Đế tới núi Không Động để tìm Quảng Thành Tử cầu Đạo. (Họa sĩ Thạch Duệ thời Minh, Bảo tàng Cố cung Quốc gia Đài Loan, Wikipedia, Public Domain)

Khí công cũng được “bình dân hóa” theo một cách đặc biệt. Dù là lưu truyền thông qua khí công sư mở lớp thuyết giảng hay cá nhân dạy cho nhau, thì hình thức lưu truyền khí công thời đó vô cùng đơn giản: mỗi môn khí công có một bộ động tác, có một quyển sách nhỏ hướng dẫn động tác và một vài lưu ý khi tập luyện. Một số môn khí công còn là sự kết hợp của võ thuật (tu ngoại) và thiền định (tu nội). Giới khí công đều biết rằng tập khí công phải “trọng đức”, làm việc tốt, hành thiện, tuy nhiên không có ai giải thích rõ là tại sao. Những gì truyền xuất ra trong giai đoạn này tuy giới hạn nhưng lại rất phù hợp với mong muốn của người hiện đại: luyện tập để chữa bệnh khỏe người.

Dần dần trong tiềm thức, nhiều người đã mặc định rằng luyện khí công chính là dùng để chữa bệnh. Lúc bấy giờ, mỗi buổi sáng tại các công viên, sân bãi nhà xưởng, người ta bắt gặp hình ảnh rất nhiều người luyện tập những môn khí công khác nhau. Ước tính đến đầu thập niên 1990 ở Trung Quốc ghi nhận có đến hơn 2.000 môn khí công xuất hiện. Sau đó cũng có rất nhiều sách báo và công trình nghiên cứu khoa học về các đặc tính siêu thường của khí công mà giới khoa học gọi là ngoại khí (External Qi). (Xem bài: Các loại năng lượng và tác dụng của khí công qua 100 báo cáo khoa học)

Vi sao theo tap Phap Luan Cong 06
Thái Cực Quyền, một bộ quyền pháp, cũng là một môn khí công thuộc loại thịnh hành nhất trên thế giới. (Ảnh: Wikipedia, Public Domain)

Khi cuộc Đại Cách mạng Văn hóa đã đi xa, nhà nước chấp nhận khí công và coi nó như một phong trào quần chúng. Tuy nhiên những người tập khí công lâu năm đều băn khoăn một câu hỏi lớn: Tập khí công có thể chữa bệnh, nhưng rõ ràng họ có thể tiến tiếp lên nữa, rõ ràng khí công không chỉ dừng ở chữa bệnh, nhưng vì sao không có ai chỉ dạy những điều cao hơn? Chẳng nhẽ cái gọi là “Vận động tạo Thần” chỉ dừng lại ở chỗ này?

Khoảng trống tâm linh sau khi nhận ra sự lừa dối của cuộc Đại Cách mạng Văn hóa đã dẫn dắt người Trung Quốc tiếp tục tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi lớn về đức tin. Đồng thời, tác dụng chữa bệnh và những đặc tính siêu thường của khí công khiến người ta đặt hy vọng vào nó rất lớn.

Văn hóa tu luyện lại quay trở lại

Trong khi trào lưu khí công bước vào giai đoạn bão hòa và có phần thoái trào với những câu hỏi lớn không thể giải đáp, thì một sự kiện đặc biệt xảy ra: Năm 1992, một vị khí công đại sư trong khóa giảng của mình lần đầu tiên đưa ra câu trả lời ngắn gọn cho câu hỏi lớn nhất của giới khí công: “Khí công chính là tu luyện.” (TríchBài giảng thứ nhất” – “Chuyển Pháp Luân”)

Lời giải đáp này tạo ra một chấn động lớn trong giới khí công bình dân lúc đó: bấy giờ mọi người mới hiểu ra khí công không chỉ bao hàm những điều ở tầng thấp như chữa bệnh khỏe người, mà nó chính là tu luyện, có thể đưa con người lên cao tầng, trở thành những sinh mệnh cao cấp hơn, cũng giống như tu Phật thì thành Phật, tu Đạo thì đắc Đạo, trở về thiên quốc, quay lại thiên đường. Đây chính là văn hóa tu luyện đã có từ thuở xa xưa, nay lại được tái hiện.

Vi sao theo tap Phap Luan Cong 03
Hàng chục triệu người đã tập khí công tại Trung Quốc vào những năm cuối thế kỷ 20. (Ảnh tư liệu: Minghui.org)

Cũng kể từ khi lời giải đáp đó xuất hiện, khái niệm “văn hóa tu luyện” mới phục sinh, khiến rất nhiều người thuộc mọi tầng lớp xã hội đều tìm hiểu. Sau đó khoảng 5-10 năm, các tác giả văn chương đã thuận theo trào lưu này mà phóng tác, tạo ra những bộ tiểu thuyết tiên hiệp huyền huyễn được lòng công chúng trong một thời gian rất dài cho đến khi thoái trào vì sự pha trộn với các thể loại ngôn tình và phim ảnh cung đấu.

Một điều rất thú vị cần chỉ ra là mặc dù sử dụng các tư liệu cổ xưa về văn hóa tu luyện để phóng tác, nhưng rất nhiều bộ truyện tiên hiệp nổi tiếng đều xây dựng một mô-típ thế giới như vậy: Sáng Thế Thần tạo ra vạn sự vạn vật trong vũ trụ này. Vạn vạn vô số năm trước kia, mọi thứ đều là tốt nhất, công pháp tốt nhất, bảo vật tốt nhất. Nhưng trải qua tháng năm đằng đẵng, toàn bộ vũ trụ này, tính cả bao nhiêu thiên giới, bao nhiêu tầng thiên, tất cả đều đang không ngừng thoái hóa, thiên tài địa bảo càng lúc càng ít, công pháp càng lúc càng không được. Người ta muốn tu luyện thì càng ngày càng khó khăn… Trong giới tu hành thì chuyện tranh đấu gì cũng xảy ra, Thần không ra Thần, càng không nói đến những chuyện xuống dốc bên dưới.

Điều này thật ra rất tương hợp với những gì được giảng trong tôn giáo cổ xưa. Phật Thích Ca Mâu Ni giảng về thời mạt Pháp cũng là như vậy, mà Chúa Giê-su giảng về thời kỳ nhân loại trước Đại Thẩm Phán cũng là như thế. Mọi thứ đều không còn tốt nữa. Ngay cả các Thiên thần cũng nổi loạn và sa ngã. Mà không chỉ là môi trường vật chất là như vậy, thế nhân cũng xuống dốc nghiêm trọng. Chính là chúng sinh trở thành nô lệ cho đồng tiền hoặc danh lợi, trong tôn giáo có những người đi tu nhưng không những vô đạo đức mà còn dâm dục phóng túng, hành vi hỗn loạn bẩn thỉu. Bên trong người tu hành còn thế, thì có thể hiểu con người bình thường sẽ ra sao. Bởi thế đây cũng là thời mà trong tâm con người không có Pháp, không còn có thể ước thúc, chuyện gì cũng dám làm, mọi giá trị đạo đức đều méo mó.

Nói đến đây, chúng ta không khỏi đặt ra một câu hỏi: Vậy con đường của “văn hóa tu luyện” sẽ tiếp tục ra sao? Kỳ thực, thiên tượng đã dùng “khí công” để trải thảm cho “vận động tạo Thần”. Vậy thì chính là người hiện đại thời nay sẽ phải tiếp tục những trang lịch sử đó, viết tiếp những điều mà phong trào khí công đã trải thảm.

Ninh Sơn

Tìm hiểu hoặc đăng ký học khí công miễn phí tại đây.

Xem thêm:

Mời xem video: