Trong sử Việt có nghi án là vua Tự Đức không phải con vua Thiệu Trị, mà là con của quan đại thần Trương Đăng Quế. Nhiều bài nghiên cứu cũng viết về điều này, khiến cho cả Quảng Ngãi là quê hương của Trương Đăng Quế cũng không dám lấy tên ông đặt tên cho bất kỳ con đường nào. Tuy nhiên sự thực của lời đồn này đến đâu?

Về lời đồn vua Tự Đức là con của Trương Đăng Quế
Trương Đăng Quế. (Ảnh: Windrain, Wikipedia, CC BY-SA 4.0)

Tin đồn vua Tự Đức không phải con Vua

Năm 1847, sau khi vua Thiệu Trị mất, Hoàng tử Nguyễn Phước Hồng Nhậm lên ngôi Vua, hiệu là Tự Đức. Tuy nhiên Nguyễn Phước Hồng Nhậm chỉ là con thứ, không phải là Thái tử. Cũng bắt đầu từ đây, Kinh thành Huế lan truyền tin đồn vua Tự Đức không phải con vua Thiệu Trị mà là con của Trương Đăng Quế. Tin đồn nhanh chóng lan ra cả nước.

Trương Đăng Quế là vị quan đại thần trải qua 4 đời vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị và sau này là Tự Đức. Trong 43 năm làm quan, ông có 20 năm nhận trọng trách lớn, trong đó có 2 lần nhận di chiếu phò giúp Vua mới. Ông cũng là thầy dạy của vua Thiệu Trị cùng các hoàng thân khác như Tùng Thiện Vương và Tuy Lý Vương.

Vấn đề tin đồn lưu truyền vua Tự Đức là con của Trương Đăng Quế cũng không thống nhất mà có hai luồng:

  • Một là: Trương Đăng Quế là một quyền thần có quyền lực lấn át trong Triều đình, được tự do ra vào cung cấm vì thế mà tư thông với Quý phi Phạm Thị Hằng rồi sinh được Hồng Nhậm tức vua Tự Đức.
  • Hai là: Ngày mà Quý phi Phạm Thị Hằng (sau này là Thái hậu Từ Dụ) hạ sinh Hồng Nhậm cũng trùng với thời điểm vợ của Trương Đăng Quế lâm bồn. Ông đã đưa đứa con còn sơ sinh của mình vào cung tráo đổi với con của vua Thiệu Trị. Một số người nhìn thấy nhưng ngậm miệng không dám nói vì quyền lực của ông trong cung quá lớn. Đứa con của Vua được đặt tên là Trương Quang Đản; còn con của Trương Đăng Quế đánh tráo được đặt tên là Hồng Nhậm, rồi sau này chính Trương Đăng Quế phò tá Hồng Nhậm lên ngôi Vua, hiệu là Tự Đức.

Tin đồn này lưu truyền một thời gian dài và được ghi chép vào trong một số tư liệu.

Về nghi vấn tư thông

Cuốn “Đại Nam thực lục chính biên” ghi vua Tự Đức sinh ngày 15 tháng 8 năm Kỷ Sửu (1829). Như vậy nếu có việc tư thông thì thời điểm đó phải là năm 1828. Lúc đấy Trương Đăng Quế mới 35 tuổi, làm thầy dạy cho các Hoàng tử, sáng đi đến cung Học giảng sách, chiều phải ra khỏi cung.

Cung Học nằm ở phía tây nam Kinh thành, hoàn toàn cách biệt Tử Cấm Thành. Mà Tử cấm thành được canh gác chặt chẽ, một vị quan ngũ phẩm như Trương Đăng Quế không thể có cơ hội vào được Tử Cấm Thành.

Còn bà Phạm Thị Hằng đương nhiên phải tuân theo quy tắc trong cung nên không thể tùy ý và cũng không có lý do gì gặp người ngoài như Trương Đăng Quế.

Việc Trương Đăng Quế gặp Phạm Thị Hằng vào thời điểm năm 1828 trở về trước là khó xảy ra, việc hai người này tư thông với nhau thì càng khó xảy ra nữa.

Về lời đồn vua Tự Đức là con của Trương Đăng Quế
Điện Lương Khiêm, nơi thờ Thái hậu Từ Dụ (Quý phi Phạm Thị Hằng). (Ảnh: Barrysphere, Wikipedia, CC BY-SA 4.0)

Nghi vấn Trương Đăng Quế đánh tráo ấu chúa

Theo “Đại Nam thực lục chính biên” thì vua Tự Đức sinh năm 1829. Theo “Từ điển bách khoa Việt Nam”“Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam” thì Trương Quang Đản sinh năm 1833, tức sau vua Tự Đức đến 4 năm. Như vậy không có chuyện hai người sinh cùng thời điểm để tráo nhau.

Hơn nữa phải đến năm 1830 thì Trương Đăng Quế mới được phong làm Thị lang bộ Công sung làm việc ở Nội các. Đây cũng không phải là chức quan to để được tự do đi lại trong cung để đánh tráo ấu chúa. Mà vua Tự Đức sinh năm 1929 khi Trương Đăng Quế vẫn là quan ngũ phẩm dạy ở cung Học, cũng chẳng thể vào cung cấm để đánh tráo con được. Vì thế mà việc đánh tráo Hồng Nhậm là không thể xảy ra.

Thái tử nhà Nguyễn thiếu lễ nghĩa, bị truất ngôi ngay khi đọc di chiếu
Chân dung vua Tự Đức. (Tranh: Docteur Rieux, Wikipedia, Public Domain)

Về việc xuất hiện tin đồn, cần quay ngược về thời điểm xảy ra tin đồn là dịp vua Tự Đức mới lên ngôi, tức năm 1847.

Việc tranh giành ngôi vua

Con trai cả của vua Thiệu Trị là Nguyễn Phước Hồng Bảo vốn được dự định là người kế vị ngôi Vua, vì thế mà được phong cho làm An Phong công.

Năm 1847, ít lâu trước khi qua đời, vua Thiệu Trị còn tổ chức lễ “Đại khánh” mừng hoàng tôn Ưng Đạo, con trai của An Phong công Hồng Bảo vừa mới chào đời. Ai cũng tin Hồng Bảo sẽ là người kế vị ngôi Vua.

Thế nhưng Hồng Bảo là người phóng túng, không chịu vào khuôn phép, không có lễ nghĩa với cả thầy học và cha mẹ. Dù Hồng Bảo được nhắc nhở nhiều lần mà vẫn không sửa.

Năm 1847, vua Thiệu Trị ốm nặng khó qua khỏi nhưng Hồng Bảo không đến thăm, lại vẫn đi xem hát. Vì thế mà trước khi mất, vua Thiệu Trị quyết định truyền ngôi cho con thứ là Hồng Nhậm – tức vua Tự Đức sau này. Vua giao trọng trách cho Trương Đăng Quế phò tá Hồng Nhậm lên ngôi.

Khi các quan đọc chiếu chỉ của Vua truyền ngôi cho Hồng Nhậm tại sân điện, Hồng Bảo uất ức mà thổ huyết, nằm vật ra sân đình. Mọi người phải gọi ngự y chạy chữa mãi mới qua khỏi và không nguy hiểm đến tính mạng.

Sau đó Hồng Bảo nhiều lần âm mưu giành ngôi Vua, tìm đến người ngoài nhờ giúp đỡ. Cũng thời điểm đó tin đồn vua Tự Đức là con của Trương Đăng Quế được lan đi.

Tin đồn này còn mãi cho đến nay, nhiều bài viết nghiên cứu cũng đưa tin đồn này khiến cho Quảng Ngãi là quê hương của Trương Đăng Quế không dám lấy tên ông đặt tên cho bất kỳ con đường nào.

Trần Hưng tổng hợp

Xem thêm:

Mời xem video: