Dù là ở phương Đông hay phương Tây, cổ nhân đều rất coi trọng gia đình và gia tộc. Với đại đa số mọi người, gia đình là nơi khởi đầu của một sinh mệnh, là nơi “trú ẩn” mỗi khi sóng gió cuộc đời ập đến, là “bến đỗ” trở về. Người xưa nói: “Gia hòa thì vạn sự hưng”, sự thành tựu của một người, những thành công, điều tốt đẹp mà một người đạt được và gìn giữ được đều cần có sự trợ giúp của gia đình.

Trí tuệ cổ nhân: Gia hòa thì vạn sự hưng
(Tranh minh họa tổng hợp)

Vì sao “gia hòa” thì “vạn sự hưng”? Giữa “hòa thuận” “hưng thịnh” có mối quan hệ tất yếu nào? Kỳ thực, “hòa” sẽ mang đến “hợp”. Chỉ có cả gia đình hòa thuận, vui vẻ thì các thành viên mới có thể “đồng tâm hợp lực”. Một khi tâm cùng hướng, lực cùng hướng thì mục tiêu sẽ dễ dàng đạt được hơn, thậm chí phát sinh sự “cộng hưởng”, khiến lực lượng nhân lên gấp bội. Còn nếu lực khác hướng hay trái hướng thì sẽ dẫn đến sức mạnh bị phân tán, triệt tiêu lẫn nhau. Đây chính là ý nghĩa của sự hòa hợp. Đạo lý này không chỉ đúng trong phạm vi một gia đình, mà trong phạm vi một quần thể, một đất nước cũng là tương tự.

Thời xưa, không chỉ ở phương Đông mà ở phương Tây, con người cũng sinh sống theo hình thức gia tộc. Phương Đông kỳ thực là đặc biệt hơn vì có sự tồn tại của những đại gia đình “tứ đại đồng đường”, “ngũ đại đồng đường”, tức là bốn hay năm thế hệ cùng sống chung.

Con người đối với gia đình mà nói luôn tồn tại một loại tâm lý đặc thù. Đó là đối xử với người nhà theo một cách, mà đối xử với người ngoài theo một cách khác. Có rất nhiều người khi ở trong nhà thì buông lỏng tâm lý hơn, cũng dễ dàng thể hiện những mặt không tốt trong tính cách. Trong hoàn cảnh nhiều thế hệ cùng chung sống, mười mấy người, thậm chí hai mấy người hàng ngày chạm mặt nhau, thì việc va chạm, sứt mẻ, chịu thiệt, tự ti, v.v.. là điều không thể tránh khỏi.

Vậy thì ở hoàn cảnh này, nếu ai ai cũng tính toán chi li, suy nghĩ điều hơn thiệt… thì đảm bảo gia đình không thể “hòa” nổi. Do đó “hòa” ở đây chỉ có một từ, nhưng trong đó bao hàm rất nhiều yêu cầu: tôn ti trật tự, an thủ bổn phận, bao dung nhường nhịn, không tật đố, không tranh đấu, không kiêu căng, v.v.. Chỉ có mỗi thành viên đều cố gắng như vậy thì gia đình mới có thể “hòa”. Nói cách khác, nếu muốn thực sự “hòa” thì nhất định phải nâng cao tiêu chuẩn đạo đức của toàn thể gia đình.

Người xưa có câu: “Đạo đức truyền gia, thập đại dĩ thượng, phú quý truyền gia, bất quá tam đại”, truyền lại đạo đức thì gia đình hưng vượng đến mười đời không hết, truyền lại phú quý giàu sang thì bất quá chỉ đến ba đời là cùng. Nếu như mười mấy người trong gia đình có thể hòa thuận chung sống cùng nhau thì có thể khẳng định rằng tiêu chuẩn đạo đức của họ không hề thấp kém. “Đức” chính là “phúc”, sự nghiệp phát đạt chẳng phải là một biểu hiện của “phúc” sao? Mười mấy người kết hợp lại, việc bên trong xử lý tốt đẹp, việc bên ngoài lại càng là cùng tiến cùng lùi, bổ trợ lẫn nhau, đạt được rất nhiều điều mà một cá nhân không thể làm tới.

Một gia đình có phúc không phải được đánh giá dựa trên việc để lại bao nhiêu tiền của, bao nhiêu căn nhà, bao nhiêu chiếc xe hơi, mà là thế hệ trước thông qua lời chỉ dạy và hành động để dạy dỗ truyền lại cho thế hệ sau được bao nhiêu trí tuệ nhân sinh, bao nhiêu đạo đức làm người tốt đẹp. Làm vậy thì dẫu không quan tâm tới tài sản phú quý mà phúc phận cũng tự đến, việc hưng vượng được lâu bền, các thành viên gia đình cũng hạnh phúc mỹ mãn.

An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: Làm thế nào để có thể làm bạn với con?