Một người là tướng lĩnh của đế chế Ai Cập hùng mạnh. Một người là nàng công chúa bị bắt làm nô lệ trong cuộc chiến. Họ yêu nhau. Nhưng khi hai đất nước giao tranh, cái kết bi kịch là điều không thể tránh khỏi…

Vở opera Aida: Một bi kịch Mị Châu - Trọng Thủy bên dòng sông Nile
Aida và Radames. (Tranh: Leopoldo Metlicovitz, Wikipedia, Public Domain)

Năm 1869, nhà hát Khedivial được xây dựng ở thủ đô Cairo của Ai Cập khánh thành, và kênh đào Suez cũng hoàn thành. Đó là một năm trọng đại với đất nước của những kim tự tháp. Để thu hút sự chú ý của công chúng hơn nữa, Ismail Pasha, một phó vương Ai Cập và cũng là người cho xây dựng nhà hát, đã đặt hàng Giuseppe Verdi viết một vở opera mang tính chất dân tộc và yêu nước.

Chấp nhận lời đề nghị, Verdi bắt tay vào viết một vở opera bốn màn, mà sau này đã trở thành một kiệt tác của ông – Aida. Vở opera kể về nàng Aida, vốn là công chúa Ethiopia bị bắt làm nô lệ sau cuộc xâm lược của đế chế Ai Cập hùng mạnh. Trớ trêu thay, Aida lại phải lòng Radames, một tướng lĩnh Ai Cập trẻ đầy nhiệt huyết và dũng mãnh. Radames cũng đem lòng yêu thương người nữ nô lệ có tâm hồn trong trắng, thánh thiện, và cự tuyệt tình yêu mà Amneris, con gái của Pharaoh dành cho chàng. Tình yêu của Aida và Radames bị đặt trong bối cảnh hai nước giao tranh. Cái kết bi kịch là không thể tránh khỏi, vì ngoài tình yêu lứa đôi, họ còn bị giằng xé bởi tình yêu đất nước. Nếu như họ có thể ở cùng nhau trong một thế giới khác, một thế giới không có giao tranh, không có âm mưu hay bội phản, thì mọi chuyện đã khác…

Vở opera Aida: Một bi kịch Mị Châu - Trọng Thủy bên dòng sông Nile
Aida, Radames và công chúa Amneris. (Ảnh qua visitsarasota.com)

Vở opera Aida được viết bằng tiếng Ý và được công diễn lần đầu tiên tại Cairo vào ngày 24/12/1871. Nhưng sau lần công diễn này, Aida đã vượt ra ngoài tầm vóc của một tác phẩm “đặt hàng” mà đi vào lịch sử của nhạc kịch thế giới như một kiệt tác bậc thầy trong sự nghiệp nghệ thuật của Verdi. Aida đã được trình diễn hàng ngàn lần trên những sân khấu opera lớn nhất thế giới. Chỉ riêng tại Broadway, Aida đã có đến 1.852 suất diễn trong vòng 4 năm (2000 – 2004).

Vở opera Aida

Cảnh 1

Ai Cập, dưới thời trị vì của các Pharaoh. Trong cung điện hoàng gia ở Memphis, quan tổng tư tế Ramfish nói với tướng quân trẻ tuổi thiện chiến của Ai Cập là Radames rằng Ethiopia đang chuẩn bị một cuộc tấn công khác vào Ai Cập. Radames được giao làm thống lĩnh chỉ huy quân đội chống lại cuộc tấn công này.

Tướng Radames đang yêu say đắm Aida, một người thị nữ Ethiopia của công chúa Amneris, con gái Pharaoh. Viên tướng trẻ hy vọng khi chiến thắng trở về sẽ được Pharaoh ban cho người nữ nô lệ Ethiopia ấy. Nhưng công chúa Amneris cũng đem lòng yêu Radames. Khi cả ba gặp mặt nhau, Amneris đã ghen tức khi cảm nhận được tình cảm của Radames dành cho Aida.

Vở opera Aida: Một bi kịch Mị Châu - Trọng Thủy bên dòng sông Nile
Radames được giao cho trọng trách trong quân đội. (Ảnh qua Metropolitan Opera)

Một sứ giả thông báo cho Pharaoh, các quan tư tế và quân đội rằng người Ethiopia đang tiến sát Ai Cập. Pharaoh phong Radames làm tiên phong. Cùng lúc, Aida đau khổ giằng xé giữa tình yêu đất nước và mối tình với Radames, vì nàng không chỉ là một nữ nô lệ Ethiopia bình thường, nàng chính là công chúa của Ethiopia.

Cảnh 2

Quân Ai Cập chiến thắng, công chúa Amneris đang chờ đợi Radames trở về trong khúc khải hoàn ca. Khi Aida tới, Amneris đã đuổi những người hầu cận đi nơi khác, để tìm hiểu tình cảm thật sự mà Aida dành cho Radames. Công chúa Ai Cập vờ nói rằng Radames đã gục ngã trong trận chiến, nhưng may thay chàng ta vẫn còn sống. Phản ứng của Aida, không nghi ngờ gì nữa, đã thể hiện một tình yêu nồng nàn với Radames. Công chúa Amneris tuyên bố chỉ cô mới là người xứng đáng có được Radames, và ra cổng thành xem đoàn quân thắng trận khải hoàn.

Tại cổng kinh thành, Pharaoh và công chúa quan sát lễ ăn mừng chiến thắng và đội vòng nguyệt quế lên đầu Radames. Tù binh Ethiopia được đưa vào, và thật bất ngờ, Aida nhìn thấy Amonasro, vua của Ethiopia, cũng chính là cha nàng. Tuy nhiên, Amonasro đang ẩn dấu danh phận. Ông cũng ra dấu cho con gái không được tiết lộ thân phận thật sự của ông.

Radames bị ấn tượng bởi tài hùng biện của Amonasro khi ông yêu cầu được chết để đổi lấy sự tự do cho tù binh. Pharaoh đồng ý trả tự do cho tù binh, nhưng lại bắt giam Amonasro trong ngục. Pharaoh tuyên bố ban cho vị tướng trẻ Radames hôn lễ với công chúa Amneris, như là phần thưởng thắng trận.

Cảnh 3

Đêm trước lễ cưới của công chúa Ai Cập, công chúa và tư tế Ramfis bước vào một ngôi đền bên bờ sông Nile để tiến hành nghi thức cầu nguyện.

Còn Aida đáng thương đang chờ gặp chàng Radames, trong nỗi giằng xé và suy nghĩ về Ethiopia. Nhà vua bại trận Amonasro, cha nàng, đột nhiên xuất hiện, nói với Aida về trách nhiệm với quê hương. Ông buộc nàng phải hứa sẽ dụ Radames nói ra tuyến đường mà quân Ai Cập sẽ sử dụng để tấn công Ethiopia. Sau đó Amonasro ẩn mình khi Radames xuất hiện.

Radames thề thốt với Aida về tình yêu dành cho nàng. Họ mơ về tương lai được sống hạnh phúc bên nhau. Radames hứa sẽ bỏ trốn cùng Aida. Nhân cơ hội đó, Aida gặng hỏi Radames về tuyến đường quân sự, và chàng đã vô tình tiết lộ cho Aida. Lập tức vua Amonasro xuất hiện khỏi chỗ ẩn nấp.

05 3
Aida, Radames và công chúa Amneris. (Ảnh qua smolart.com)

Khi Radames biết Amonasro chính là vua Ethiopia, chàng vô cùng hoảng sợ vì đã tiết lộ bí mật quân sự của Ai Cập. Aida và cha nàng đang cố gắng làm Radames bình tĩnh, thì tư tế Ramfis và Amneris bước ra khỏi ngôi đền. Amonasro và Aida chạy trốn, còn Radames tự nộp mình cho các quan tư tế.

Cảnh 4

Radames chờ đợi phiên tòa kết tội mình phản bội, chàng tưởng rằng Aida đã chết. Khi Radames biết được Aida còn sống, chàng vẫn từ chối đề nghị cứu chàng của Amneris nếu chàng tố cáo Aida. Khi bị mang đến trước các quan tư tế, chàng từ chối trả lời những buộc tội của họ, và bị kết án tử hình bằng cách chôn sống trong tầng hầm. Công chúa Amneris cầu khẩn một đặc ân cho Radames nhưng không thay đổi nổi phán quyết. Nàng tức giận nguyền rủa các quan tư tế.

Vở opera Aida: Một bi kịch Mị Châu - Trọng Thủy bên dòng sông Nile
Aida và Radames trong những phút cuối cùng. (Tranh: Fratelli Doyen Company, C. Weidermüller, Adam Cuerden, Wikipedia, Public Domain)

Còn Aida, vì tình yêu sâu nặng dành cho Radames, nàng đã lẻn vào ngục tối và quyết định chết cùng người yêu. Trước khi cánh cửa tầng hầm đóng lại, hai người đã thề nguyền yêu đương trong những giây phút cuối cùng. Còn bên ngoài, công chúa Amneris cầu nguyện cho Ramdes được yên nghỉ.

*****

Verdi đã tiếp tục chỉnh sửa lại Aida nhiều lần. Ông viết một Overture (khúc mở màn) hoàn chỉnh cho buổi công diễn lần đầu ở Ý tại nhà hát La Scala, Milan vào ngày 8/2/1872, nhưng lại quyết định bỏ nó đi trước buổi công diễn. Phần âm nhạc ballet được nhà soạn nhạc viết thêm cho buổi ra mắt ở Paris được hợp nhất vào bản in chính thức.

Bên cạnh sự thành công của toàn bộ vở opera, những tiết mục khí nhạc đặc sắc khác trong Aida như Triumphal March (Tạm dịch: Hành khúc chiến thắng) ở màn 2 thường được tách ra khỏi vở opera để biểu diễn như các tác phẩm hòa nhạc độc lập, và thường xuyên xuất hiện trong các buổi lễ kỉ niệm chiến thắng của nhiều quân đội trên thế giới.

Vở opera Aida: Một bi kịch Mị Châu - Trọng Thủy bên dòng sông Nile
Giuseppe Verdi. (Ảnh: Giacomo Brogi, Wikipedia, Public Domain)

Vở opera Aida là một trong những tác phẩm đóng vai trò quan trọng trong thời kỳ sáng tác thứ ba của Verdi. Chúng ta thực sự nhận thấy một cuộc hôn nhân môn đăng hộ đối giữa lời và nhạc, cùng sự chú trọng về vẻ đẹp của giọng hát và giai điệu. Trong Aida, Verdi thực sự tỏ ra trưởng thành và vô cùng sắc sảo khi viết cho dàn nhạc với một ý thức rõ rệt về màu sắc hoà âm, điều này đã cho thấy sự khác biệt rõ rệt so với các tác phẩm được sáng tác trong thời kỳ đầu.

Với tính kịch được giữ trọn vẹn xuyên suốt tác phẩm, và lối xây dựng nhân vật vững chắc, Verdi đã đưa người nghe rơi vào những cung bậc cảm xúc rất đa dạng, từ vẻ trang nghiêm, niềm hân hoan đến nỗi đau khổ tột cùng, thống thiết và bi tráng. Tất cả đều thể hiện rõ một tâm hồn Ý rất riêng và không thể nhầm lẫn. Aida đã và sẽ luôn là một trong những tượng đài bất tử của nghệ thuật opera làm say mê biết bao thế hệ khán giả yêu âm nhạc cổ điển.

Lê Anh

Xem thêm:

Mời xem video: