Madama Butterfly (Tạm dịch: “Hồ điệp phu nhân” hay “Phu nhân bươm bướm”) là vở opera nổi tiếng của nhà soạn nhạc người Ý Giacomo Puccini, sáng tác dựa trên truyện ngắn “Madama Butterfly” (1898) của J.L.Long viết dựa trên một bi kịch có thật…

Opera Hồ điệp phu nhân: Bi kịch của linh hồn bươm bướm
Vở opera dựa trên một bi kịch có thật. (Tranh: Adolfo Hohenstein, Wikipedia, Public Domain)

Màn 1

Pinkerton, một sĩ quan hải quân thuộc tàu sân bay Abraham Lincoln của Mỹ, và Goro, một người môi giới hôn nhân Nhật Bản, đang đứng trong một ngôi nhà nhỏ tọa lạc trên một ngọn đồi, nhìn ra bến cảng. Ngôi nhà có một khu vườn nhỏ, với quản gia, đầu bếp và cô hầu Suzuki.

Goro tìm được ngôi nhà này cho Pinkerton cùng người vợ chưa cưới của anh ta là Butterfly, một cô gái Nhật Bản 15 tuổi với cái tên Ciocio, có nghĩa là bươm bướm.

Goro nói với Pinkerton rằng mọi việc hiện đã chuẩn bị ổn thỏa và Ciocio sẽ sớm tới đây. Người của lãnh sự quán Mỹ, cục hộ tịch và người thân của cô dâu đều sẽ tới, trừ ông bác của Ciocio. Ông bác đó là một thầy tu Phật giáo và đã từ chối tham dự hôn lễ.

Sharpless, nhân viên lãnh sự quán Mỹ, tiến vào vườn, chào Pinkerton và Goro, và tỏ ý ngưỡng mộ khung cảnh nhìn ra bờ biển và bến cảng Nagasaki. Pinkerton nói với Sharpless rằng anh đã mua ngôi nhà nhỏ này trong 999 năm, và hàng tháng anh đều có quyền hủy bỏ hợp đồng. Pinkerton giải thích rằng ở Nhật, luật pháp rất lỏng lẻo.

Madama Butterfly 01
Pinkerton và Butterfly. (Ảnh: Florida Grand Opera, Wikipedia, CC BY 2.0)
Madama Butterfly 04
Butterfly và Pinkerton. (Ảnh: Florida Grand Opera, Wikipedia, CC BY 2.0)

Pinkerton ví mình như một người lang thang Yankee, và anh sẽ không thỏa mãn cho đến khi hái được hoa của mọi bờ biển và bắt được tình yêu của mọi phụ nữ xinh đẹp. Vậy nên Pinkerton “kết hôn theo phong cách Nhật Bản: trong 999 năm, nhưng có quyền hủy bỏ cuộc hôn nhân vào mỗi tháng”.

Khi Goro rời đi, Sharpless hỏi Pinkerton rằng anh có thật sự yêu Butterfly không. Pinkerton thừa nhận với Sharpless rằng anh không biết liệu mình có thật sự yêu hay chỉ là say đắm nhất thời, nhưng anh đã bị mê hoặc bởi nét ngây thơ, quyến rũ và vẻ đẹp của Butterfly; cô ấy giống như một chú bươm bướm dập dờn xung quanh và rồi hạ cánh một cách duyên dáng trong yên lặng, đẹp tới nỗi “tôi nhất định phải có được cô ấy, cho dù tôi sẽ làm đôi cánh của cô bị tổn thương”.

Tuy vậy, Pinkerton cũng nói thêm: “Nhưng rồi sẽ có ngày tôi có một lễ cưới thật sự với một cô dâu người Mỹ”.

Goro lại quay lại để thông báo với Pinkerton và Sharpless rằng bạn bè của Butterfly đang tới. Butterfly vui vẻ dẫn các bạn của cô lên ngôi nhà trên đỉnh đồi, và nói với họ rằng cô chính là cô gái Nhật Bản hạnh phúc nhất trên đời. Butterfly dẫn các bạn vào khu vườn và khi nhìn thấy Pinkerton, tất cả họ đều cúi đầu chào anh.

Butterfly nói với Pinkerton và Sharpless rằng cả gia đình cô đều tới từ Nagasaki và đã từng một thời rất giàu có. Butterfly chào hỏi họ hàng của cô trong khi Goro thông báo rằng Đại ủy và Cục đăng ký hôn nhân đã tới. Pinkerton cười một chút rồi thì thầm với Sharpless rằng đây chỉ là một trò hề, và những người này sẽ trở thành họ hàng của anh ta chỉ trong vòng một tháng.

Sharpless nói rằng dù Pinkerton coi hợp đồng hôn nhân này chỉ là một trò hề nhưng ông nhận ra sự hào hứng và chân thành của Butterfly, và hiểu cô đã rất yêu Pinkerton. Họ hàng của Butterfly khen ngợi Pinkerton rất giống như một vị vua, giàu có và tuấn tú. Rồi Pinkerton dắt tay Butterfly vào nhà trong khi thân nhân của cô thì cúi chào anh ta và bước ra vườn.

Từ trong tay áo của mình, Butterfly lấy ra những báu vật của mình cho Pinkerton xem, trong đó có một chiếc hộp hẹp dài. Goro nói với Pinkerton rằng đây là một thanh kiếm gia truyền dùng để thực hiện việc “thiết phúc” (mổ bụng tự sát). Butterfly cũng nói với Pinkerton rằng cô đã bí mật từ bỏ tôn giáo của tổ tiên để chuyển sang tôn giáo của Pinkerton mà không cho người chú Bonze của mình, một thầy tu Phật giáo, biết.

Opera Hồ điệp phu nhân: Bi kịch của linh hồn bươm bướm
Butterfly lấy ra những báu vật của mình cho Pinkerton xem. (Ảnh: Florida Grand Opera, Wikipedia, CC BY 2.0)

Lễ cưới bắt đầu, và mọi người đều thành tâm chúc phúc cho cặp đôi mới cưới. Một lát sau, Sharpless khẩn cầu Pinkerton rằng đừng quá độc ác, và rồi anh rời đi với Ủy viên và người của cục hộ tịch.

Khi mọi người đang vui vẻ thưởng thức bánh mì nướng thì bất ngờ thay, Bonze – chú của Butterfly tới. Ông nói với tất cả khách khứa rằng Butterfly đã từ bỏ tôn giáo của mình, và nguyền rủa cô: “Cô đã từ bỏ chúng tôi, vậy thì bây giờ chúng tôi cũng sẽ từ bỏ cô”. Khách khứa đều bỏ về hết. Đêm dần buông trong tiếng khóc nức nở của Butterfly, và Pinkerton thì ở bên an ủi cho tới khi cô ngừng rơi lệ.

Madama Butterfly 03
“Có phải ở nước ngoài, sau khi người ta bắt được một chú bướm thì sẽ ghim đôi cánh của nó vào một cái bàn không?” (Ảnh: Florida Grand Opera, Wikipedia, CC BY 2.0)

Hai người thổ lộ những lời tâm tình ngọt ngào. Butterfly chợt hỏi rằng, có phải ở nước ngoài, sau khi người ta bắt được một chú bướm thì sẽ ghim đôi cánh của nó vào một cái bàn không. Pinkerton thừa nhận điều này, nhưng anh ta cũng nói: “Em có biết tại sao không? Người ta làm vậy để nó không bay đi mất. Giờ đây anh đã bắt được em rồi. Em là của anh.”

Màn 2

Ba năm thấm thoát trôi qua. Suzuki quỳ gối trước mặt một vị Phật và cầu nguyện rằng Butterfly sẽ ngừng khóc. Suzuki nói với cô chủ của mình rằng tiền của họ đã gần hết và nếu Pinkerton không trở lại thì họ sẽ rơi vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Suzuki cũng nói rằng những người chồng ngoại quốc sẽ không bao giờ trở lại với người vợ Nhật Bản của họ. Nhưng Butterfly giận dữ trả lời rằng Pinkerton đã hứa sẽ trở về với cô khi mà loài chim cổ đỏ xây những chiếc tổ của chúng.

Một lát sau, Suzuki rời đi, Sharpless và Goro bước vào khu vườn cùng với Yamadori – một người đã từng kết hôn và li hôn nhiều lần, hiện đang theo đuổi Butterfly. Khi Goro tỏ ý nghi ngại về cuộc hôn nhân của Butterfly, cô hùng hồn nói rằng tuy rằng theo luật Nhật Bản thì li hôn là rất dễ dàng, nhưng cuộc hôn nhân của cô là dựa theo luật pháp Mỹ – và ở Mỹ thì người ta không thể làm vậy.

Sharpless ngượng ngùng thừa nhận rằng điều này là đúng, nhưng khi Butterfly yêu cầu Suzuki phục vụ trà thì ba người đàn ông lặng lẽ thảo luận với nhau về sự mù quáng của cô. Goro thì thầm rằng tàu của Pinkerton sẽ sớm đến nơi, và Sharpless giải thích rằng Pinkerton quá xấu hổ để gặp Butterfly và đã yêu cầu Sharpless giúp đỡ giải quyết vấn đề này. Yamadori cảm thấy bị xúc phạm nên đã rời đi cùng Goro, để lại Sharpless trò chuyện với Butterfly.

Madama Butterfly 10
Butterfly từ chối tất cả những người khác. (Ảnh: Florida Grand Opera, Wikipedia, CC BY 2.0)

Sharpless lấy từ trong túi ra lá thư của Pinkerton và đọc cho Butterfly nghe, nhưng anh chưa kịp đọc hết thì Butterfly đã sung sướng ngắt lời vì cô cho rằng Pinkerton sắp trở lại. Sharpless đặt lá thư sang một bên, nhẹ nhàng hỏi rằng cô sẽ làm gì nếu như Pinkerton không bao giờ trở lại. Butterfly đã bị sốc.

Butterfly khóc, và nói rằng nếu Pinkerton không trở lại thì cô sẽ trở về với công việc ca hát mua vui cho mọi người – hoặc là chết. Sharpless khẩn cầu cô hãy chấp nhận lời đề nghị của Yamadori, nhưng Butterfly từ chối. Rồi cô mang tới cho Sharpless cậu con trai 2 tuổi tóc vàng của mình, thằng bé là một minh chứng luôn nhắc cho cô nhớ về người chồng Mỹ.

Sharpless hỏi rằng Pinkerton có biết về sự tồn tại của đứa bé không, và Butterfly trả lời rằng đứa trẻ này được sinh ra khi Pinkerton đã rời đi. Cô cũng nhờ Sharpless viết thư cho Pinkerton để bảo với anh ta rằng đứa con trai đang chờ đợi anh ta trở về.

Madama Butterfly 05
Butterfly, Suzuki và đứa trẻ. (Ảnh: Florida Grand Opera, Wikipedia, CC BY 2.0)

Trước khi đi, Sharpless hỏi tên của đứa trẻ, Butterfly đáp rằng: “Hôm nay tên của nó là Nỗi Buồn. Nhưng hãy nói với bố của nó rằng, ngày mà anh trở về thì tên của nó sẽ là Niềm Vui”.

Lát sau, Suzuki kéo Goro vào và giận dữ tố cáo rằng ông ta cứ lượn lờ bên ngoài và nói với mọi người rằng không có ai biết cha đứa trẻ là ai. Goro giải thích rằng ở Mỹ, khi một đứa trẻ được sinh ra với một lời nguyền rủa thì nó sẽ bị mọi người khước từ.

Trong cơn thịnh nộ, Butterfly chạy tới bên bàn thờ, chộp lấy con dao găm và đe dọa sẽ đâm ông ta. Goro sợ hãi chạy trốn. Butterfly vứt con dao đi, và nói với con rằng rồi một ngày bố nó sẽ trở lại và đưa hai mẹ con đi xa khỏi nơi đây.

Ngay sau đó một tiếng đại bác vang lên. Butterfly nhìn thấy tàu sân bay Abraham Lincoln, và cô nói với Suzuki: “Anh ấy đã trở lại, và anh ấy yêu tôi!” Butterfly cũng bảo Suzuki hãy đi chuẩn bị một bồn tắm thơm và thật nhiều hoa để trang trí cho căn nhà.

Butterfly ngồi trước bàn trang điểm. Cô đánh má hồng cho mình và đứa con. Cô mặc bộ váy vào ngày diễn ra lễ cưới, trong khi Suzuki giúp đứa trẻ mặc đồ. Cô bảo Suzuki rằng cô muốn Pinkerton nhìn thấy cô ăn mặc như ngày đầu họ gặp gỡ, với một bông hoa anh túc cài trên mái tóc.

Đêm dần sâu, Suzuki và đứa trẻ đã thiếp ngủ, trong khi Butterfly vẫn thao thức đợi chờ.

Màn 3

Suzuki và đứa trẻ đang ngủ, nhưng Butterfly vẫn đứng và chờ đợi. Mặt trời dần mọc, chan hòa ngôi nhà của cô. Suzuki tỉnh dậy và cảm thấy rất buồn khi nhìn ngôi nhà trống, nhưng Butterfly vẫn nói: “Anh ấy nhất định sẽ đến”. Rồi Butterfly đưa đứa trẻ đang say ngủ vào một căn phòng khác và chính cô cũng thiếp đi.

Suzuki chờ đợi ở phòng khách và nghe thấy tiếng gõ cửa. Pinkerton và Sharpless đã tới, nhưng Pinkerton bảo Suzuki đừng đánh thức cô dậy và hỏi làm cách nào mà Butterfly lại biết rằng anh ta tới.

Suzuki bảo rằng, trong suốt 3 năm nay, Butterfly đã nghiên cứu mỗi một con tàu cập cảng. Suzuki nhìn thấy một người phụ nữ lạ mặt đứng trong vườn, và biết rằng đó là cô vợ người Mỹ của Pinkerton. Cú sốc này làm cô hầu gái quỵ ngã.

Trong khi Pinkerton nhìn lại những bông hoa, bức ảnh chụp anh và căn phòng chẳng hề thay đổi suốt 3 năm qua, thì Sharpless bảo Suzuki rằng họ chẳng thể làm gì được cho Butterfly, nhưng vợ của Pinkerton, Kate, muốn được chăm sóc cho đứa trẻ.

Suzuki đi ra vườn để gặp vợ mới của Pinkerton, trong khi Sharpless nhắc nhở Pinkerton rằng Butterfly vẫn luôn chờ đợi anh ta. Pinkerton thừa nhận là mình đã làm sai và nhờ Sharpless tới gặp Butterfly để nói với cô sự thật đáng xấu hổ này vì anh ta chỉ là một kẻ hèn nhát. Còn trong vườn, Kate nhờ Suzuki chuyển lời tới Butterfly rằng cô sẽ chăm sóc đứa trẻ thật chu đáo như chính con của mình vậy.

Butterfly thức dậy, gọi Suzuki và bước vào phòng. Butterfly hỏi Suzuki rằng vì sao cô lại khóc, và khi nhìn thấy Sharpless và người phụ nữ ở trong vườn thì dường như cô đã hiểu ra chuyện gì đó.

Cô chỉ yên lặng hỏi Suzuki: “Anh ấy còn sống chứ?” Khi Suzuki đáp “Vâng”, Butterfly biết rằng Pinkerton không tới vì cô, và Kate là vợ mới của anh, và cô sẽ phải từ bỏ đứa con của mình. Butterfly nói với Kate rằng cô sẽ chỉ giao đứa trẻ khi mà Pinkerton đến gặp cô trong vòng nửa giờ nữa.

Opera Hồ điệp phu nhân: Bi kịch của linh hồn bươm bướm
(Ảnh: Florida Grand Opera, Wikipedia, CC BY 2.0)

Butterfly bảo Suzuki đóng tất cả cửa nhà lại, và yêu cầu cô đến căn phòng khác để chơi với đứa trẻ. Rồi Butterfly quỳ gối trước bức tượng của Đức Phật và cầu nguyện với linh hồn tổ tiên. Cô đứng dậy, lấy thanh kiếm của cha xuống, hôn lên lưỡi và đọc dòng chữ khắc trên đó: “Người nào không thể sống trong danh dự thì hãy chết đi trong danh dự”.

Con của Butterfly đột ngột bước vào, có lẽ Suzuki đã quá buồn bã nên không để mắt tới đứa bé. Butterfly nói với đứa trẻ rằng đừng buồn vì sự ra đi của cô mà hãy lưu giữ lại hình bóng khuôn mặt của mẹ nó. Cô chào tạm biệt con, đặt nó ngồi lên sàn và dịu dàng bịt mắt con lại.

Madama Butterfly 08
(Ảnh: Florida Grand Opera, Wikipedia, CC BY 2.0)

Cô đưa con một lá cờ Mỹ nho nhỏ để vẫy chào mừng cha của nó. Thằng bé làm vậy trong khi vẫn bị bịt mắt.

Butterfly cầm lấy thanh kiếm…

Opera Hồ điệp phu nhân: Bi kịch của linh hồn bươm bướm
Butterfly lấy thanh kiếm… (Ảnh: Florida Grand Opera, Wikipedia, CC BY 2.0)

Thank kiếm rơi lạch cạch xuống sàn khi Butterfly loạng choạng bước ra với một vết cắt nơi cổ. Cô hôn đứa con và ngã xuống.

Từ bên ngoài, Pinkerton gào khóc: “Butterfly!” và vội lao tới nhưng tất cả đã muộn.

Bạn đọc quan tâm có thể xem toàn bộ vở opera qua: YouTube

*******

Vở opera “Hồ điệp phu nhân” là một trong những vở opera được biểu diễn nhiều nhất trên khắp thế giới. Nó được công diễn lần đầu tiên tại thành phố Milan vào năm 1904. Sau đó nó được viết lại. Màn thứ hai được chia thành 2 phần với 1 quãng nghỉ ở giữa. Phiên bản mới này được trình diễn lần đầu tiên tại Brescia 3 tháng sau khi ra đời.

Tiếp theo, tác phẩm này lại được Puccini viết lại. Phiên bản thứ ba được biểu diễn lần đầu tiên tại New York, Mỹ vào năm 1906 và phiên bản thứ tư, với rất nhiều thay đổi trong dàn nhạc, được biểu diễn ở Paris, Pháp vào năm 1907. Cùng năm này, Puccini chỉnh sửa những chi tiết cuối cùng dành cho vở opera trong phiên bản thứ năm, cũng là “phiên bản chuẩn” cuối cùng.

09 2
Puccini. (Ảnh: Wikipedia, Public Domain)

Giacomo Antonio Domenico Michele Secondo Maria Puccini (22/12/1858 – 29/11/1924) là một nhà soạn nhạc vĩ đại người Ý. Các vở opera của ông như La Bohème, Tosca hay Madama Butterfly, và đặc biệt là Turandot, là những tác phẩm âm nhạc cổ điển được biểu diễn thường xuyên nhất trong danh mục thể loại opera tiêu chuẩn.

Thanh Hương

Xem thêm:

Mời xem video: