Ở tỉnh Akita nước Nhật hiện có một tấm bia chứng minh sự trung thực của người Nhật Bản trước lịch sử. Dưới đây là nội dung lời văn được khắc trên tấm bia ở địa điểm có tên Kyorakukan:

“Trong chiến tranh Thái Bình Dương để bù đắp lực lượng lao động thiếu hụt, chính phủ quân phiệt Nhật đã cưỡng bức khoảng 4 vạn người Trung Quốc tới Nhật lao động. Trong số trên có 986 người được đưa vào đội Kagoshima để lao động tại mỏ khai thác khoáng Hanaoka và trong số đó có 8 người đã chết trên đường di chuyển.

Những người này đã bị đưa vào ký túc xá sâu trong núi và phải lao động tàn khốc, sinh hoạt tồi tệ dưới sự giám sát nghiêm ngặt vì thế liên tiếp có người tử vong.

Buổi tối ngày 30 tháng 6 năm 1945, khoảng 800 người sống sót đã nhất tề khởi nghĩa. Trong cuộc chiến đấu ác liệt giữa vòng vây của hiến binh, cảnh sát, quân đồn trú tại địa phương, cuối cùng toàn bộ những người Trung Quốc này bị bắt. Quân Nhật đem họ phơi nắng dưới trời nóng thiêu đốt trong sân tòa nhà Kyoraku suốt 3 ngày 3 đêm không cho ăn uống để điều tra khiến cho nhiều người liên tiếp gục ngã. Vào tháng 7 số người chết được ghi nhận là 100 nhưng sự bi thảm ở đây không lời nào diễn tả được. Ngày nay Hiệp ước hòa bình quan hệ hữu hảo Nhật-Trung mặc dù đã được kí kết nhưng chúng ta cần phải không quên sự thật trước đó để xây đắp quan hệ hữu hảo không lặp lại chiến tranh giữa hai dân tộc Nhật-Trung”.

Vụ án Hanaoka và sự trung thực của người Nhật Bản
(Ảnh: Tác giả cung cấp)

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, cùng với quá trình dân chủ hóa nước Nhật là quá trình người Nhật tìm kiếm các sự thật lịch sử và nhận thức lại lịch sử. Những tội ác của chủ nghĩa quân phiệt liên tiếp được phơi bày.

Những bộ xương trắng của người Trung Quốc tuẫn nạn nói trên được phát hiện, khai quật và gửi về Trung Quốc từ năm 1953. Tuy nhiên về sau người Nhật vẫn tìm thấy nhiều bộ xương khác. Nhận thấy cần phải có một cuộc phát quật toàn diện trên diện rộng, các đoàn thể dân chủ vào năm 1963 đã phát động phong trào khai quật, tìm kiếm với quy mô lớn. Các giáo viên lịch sử ở Akita trực thuộc Hiệp hội các nhà giáo dục lịch sử Nhật Bản đã tham gia phong trào rất tích cực. Tháng 5 năm 1966, tấm bia kỉ niệm nói trên được dựng lên trong lễ bế mạc phong trào tìm kiếm hài cốt của những người Trung Quốc.

Vụ án Hanaoka cũng được nhiều giáo viên đưa vào giảng dạy trong trường phổ thông.

Qua truyền thông, nhiều người biết đến các vụ biểu tình của người Trung Quốc phản đối sách giáo khoa lịch sử Nhật Bản viết không trung thực về tội ác của quân Nhật đối với người Trung Quốc trong chiến tranh nhưng ít người biết đến sự trung thực nói trên của người Nhật.

Có lẽ cũng không nhiều người Trung Quốc biết rằng ở Nhật sách giáo khoa lịch sử được biên soạn và sử dụng theo phương thức “kiểm định”. Các nhà xuất bản tư nhân được quyền lựa chọn tác giả biên soạn sách giáo khoa và tổ chức biên soạn dựa trên chương trình khung do Bộ giáo dục soạn thảo. Các cuốn sách giáo khoa sau khi hoàn thành sẽ được hội đồng thẩm định nội dung của bộ phê duyệt nếu đạt tiêu chuẩn sẽ trở thành sách giáo khoa. Lựa chọn sách giáo khoa lịch sử nào sẽ do Hiệu trưởng và Ủy ban giáo dục ở địa phương đó quyết định. Quan trọng hơn hệ thống một chương trình – nhiều sách giáo khoa cho phép giáo viên là người quyết định nội dung và phương pháp giảng dạy. Chính vì vậy trên thực tế những nội dung không có trong sách giáo khoa trong nhiều trường hợp lại được các giáo viên ở hiện trường giảng dạy. Đây gọi là “quyền tự do thực tiễn giáo dục” và nó được pháp luật bảo hộ.

Vụ án Hanaoka nói trên chỉ là một trong nhiều ví dụ. Trong quá trình ba lô lang thang khắp nước Nhật tôi đã gặp rất nhiều các tấm bia như thế. Tôi chưa có dịp đến Trung Quốc nên tự hỏi không rõ ở đấy có tấm bia nào tương tự?

Nguyễn Quốc Vương

Đăng lại từ Blog Người Bán Sách Rong (nguoibansachrong.com)
Tham khảo Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:

Mời xem video: