Nhà Tây Chu tồn tại 350 năm, kết thúc ở Chu U Vương. Chuyện về Chu U Vương mê đắm nữ sắc, chỉ vì nụ cười mỹ nữ mà mất nước là câu chuyện vô cùng nổi tiếng trong lịch sử. Sau thời Chu U Vương là đến giai đoạn Đông Chu, hay còn gọi là giai đoạn Xuân Thu Chiến Quốc. Lúc này, nhà Chu chỉ tồn tại trên danh nghĩa, còn thực tế là các chư hầu tự trị. Vương triều Đông Chu không còn có thể chứng kiến sự huy hoàng như thời kỳ Tây Chu, nhưng cũng kéo dài thêm được hơn 400 năm nữa.

Chu U Vương là vị vua thứ 12 của nhà Tây Chu, nổi tiếng háo sắc. Mặc dù Chu U Vương đã có vương hậu và thái tử, nhưng thường cho người đi khắp nơi tìm con gái đẹp nhập cung. Một đại thần là Bao Quýnh khuyên can nhưng lại bị U Vương tống giam vào ngục.

Gia đình Bao Quýnh tìm cách để đưa ông ra khỏi ngục. Biết U Vương háo sắc, bèn tìm được nàng Bao Tự xinh đẹp, mua rồi dâng lên Chu U Vương. Theo lịch sử thì Bao Tự vô cùng xinh đẹp, từ khi Chu U Vương có được thì không còn cho người đi tìm mỹ nữ nữa, mà chỉ ngày đêm mê mẩn Bao Tự.

Vương triều tồn tại 350 năm suy tàn vì nụ cười mỹ nữ
Tranh khắc gỗ tả Bao Tự, họa sĩ Vương Hội, thế kỷ 18. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Thế nhưng Bao Tự từ ngày vào cung thì buồn bã, chẳng bao giờ mỉm cười. U Vương treo thưởng ai làm Bao Tự cười sẽ được nghìn lạng vàng, nhưng không ai làm được.

Một nịnh thần trong triều là Quắc Thạch Phụ nghĩ ra được kế lạ.

Bấy giờ để đề phòng bộ tộc Khuyển Nhung ở phía tây bắc tấn công, nhà Chu đã cho xây dựng ở vùng Ly Sơn 20 đài đốt lửa gọi là Phong hỏa đài, cứ cách vài dặm xây một đài. Nhà Chu quy ước với các chư hầu rằng nếu quân Khuyển Nhung tấn công, Phong hỏa đài sẽ được đốt lên, các nước chư hầu nhìn thấy sẽ đưa quân đến giúp. Vì thế Phong hỏa đài đối với nhà Chu vô cùng quan trọng.

Quắc Thạch Phụ hiến kế rằng Chu U Vương nên đốt các Phong hỏa đài để quân chư hầu đến. Bao Tự thấy quân chư hầu rậm rạp kéo đến, nhiều người bị lừa như vậy, thì thể nào cũng sẽ cười.

Chu U Vương bất kể chính sự, chỉ mong có được nụ cười mỹ nữ, liền cho đốt Phong hỏa đài mặc cho quan tướng ngăn cản.

Quân các nước chưa hầu thấy Phong hỏa đài cháy liền vội đến, nhưng chứng kiến mọi việc yên ổn thì nhìn nhau ngơ ngác. Bao Tự thấy thế quả thật đã cười.

Vương triều tồn tại 350 năm suy tàn vì nụ cười mỹ nữ
Tranh “Phong hỏa hí chư hầu”, mô tả cảnh Chu U Vương cho đốt Phong hỏa đài để đổi lấy nụ cười của Bao Tự, thế kỷ 17. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Chu U Vương sung sướng, cho người bảo các nước chư hầu quay về, bất kể quân chư hầu bất bình, nổi giận. Sau một thời gian, Chu U Vương lại cho đốt Phong hỏa đài, quân chư hầu một lần nữa trở thành trò cười cho Bao Tự.

Bao Tự sinh được con trai là Cơ Bá Phục. Chu U Vương sủng ái Bao Tự nên phế truất cả vương hậu và thái tử, lập Bao Tự và Cơ Bá Phục.

Sự việc này khiến cha của vương hậu cũ là vua nước Thân vô cùng phẫn nộ. Năm 771 TCN, ông ta liền hội quân cùng tộc Khuyển Nhung tấn công kinh đô nhà Chu.

Chu U Vương trong lúc lâm nguy vội đốt Phong hỏa đài triệu tập chư hầu. Tuy nhiên các nước chư hầu nghĩ rằng lại bị lừa nên không tới. Chu U Vương không chống nổi và bị giết chết.

Chiếm được kinh đô nhà Chu, quân Khuyển Nhung tha hồ giết chóc và cướp bóc, không chịu để vua nước Thân kiểm soát. Vua nước Thân ân hận, vội viết thư cầu cứu các nước chư hầu, hội quân đánh bại bộ tộc Khuyển Nhung.

Quân các nước cùng đưa thái tử cũ là Cơ Nghi Cữu lên làm vua, hiệu là Chu Bình Vương, lập ra nhà Đông Chu. Tuy nhiên kể từ đây nhà Chu yếu nhược, chỉ còn trên danh nghĩa, không thể sai khiến chư hầu được nữa.

Câu chuyện về Bao Tự và Phong hỏa đài được gọi là “Phong hỏa hí chư hầu”. Nó được ghi chép lại trong các sách sử và kinh điển Nho gia, như một bài học về nữ sắc cho các vị quân vương đời sau. Nàng Bao Tự cũng trở thành một ví dụ về “hồng nhan họa thủy”, khiến quân vương mê đắm mà phạm phải việc vong quốc.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: