Từ xưa đến nay, nhắc tới Hoa Đà có lẽ không người nào không biết. Bởi vậy, mỗi khi khen ngợi y thuật cao siêu của một vị lương y nào đó, người ta thường ví họ là “Hoa Đà tái thế”.

y thuật Hoa Đà
(Tranh minh họa: Vision Times)

Thời cổ đại không có siêu âm, chụp CT cắt lớp, chụp X-Quang, cũng không có chụp cộng hưởng từ, nhưng các y học gia lại có thể dựa vào cảm quan của nhân thể để chẩn đoán bệnh, không thể nói là không thần kỳ. Trong các danh y cổ đại thì người nổi tiếng nhất chính là Hoa Đà. Ông được xưng là thiên cổ đệ nhất Thần y.

Hoa Đà tự là Nguyên Hóa, tên thật là Phu. Ông là người huyện Tiêu, nước Bái, thuộc Dự châu, là đồng hương của Tào Tháo. Ông sinh ra vào thời Đông Hán, là danh y nổi tiếng thời đại Tam Quốc.

Thời trẻ, Hoa Đà chỉ tập trung nghiên cứu y học chứ không màng đến việc tìm cầu con đường làm quan. Y thuật của ông là toàn diện, tinh thông nhất là giải phẫu, được người đời xưng là “Ngoại khoa thánh thủ” hay “Ngoại khoa thủy tổ”. Ngoài ra ông cũng tinh thông thuật châm cứu.

Khi hành nghề y, ông đã đi khắp nơi từ An Huy, Sơn Đông, Hà Nam, Giang Tô… để chữa bệnh cứu người. Ông từng dùng “ma phí tán” để gây mê cho bệnh nhân rồi sau đó phẫu thuật cho họ. Đây được xem là cách gây mê toàn thân ra đời sớm nhất được ghi chép cụ thể trong lịch sử.

Ông còn mô phỏng điệu bộ của năm loài thú là cọp, nai, gấu, khỉ và chim để sáng tác ra bộ khí công có tên “Ngũ cầm chi hí” để mọi người luyện tập cho thân thể khỏe mạnh cường tráng.

Về sau này, Hoa Đà bị Tào Tháo giam vào ngục mà chết, cũng vì thế mà sách y học “Thanh nang kinh” của ông bị thất truyền.

Hoa Đà có thể dựa vào việc xem sắc mặt, biểu hiện bên ngoài của người bệnh mà chẩn đoán bệnh và đưa ra cách chữa trị chuẩn xác. Những ví dụ về điều này cũng được sử sách ghi chép lại rất nhiều. Ở đây chỉ nêu ra một trường hợp bệnh tình ít được biết đến hơn.

Trong cuốn sách “Hậu Hán Thư” có đoạn kể rằng, vợ của Lý tướng quân bị bệnh, nên gia đình họ liền mời Hoa Đà đến khám và chữa trị. Hoa Đà sau khi bắt mạch, nói: “Phu nhân là bởi vì đã bị thương trong thời kỳ mang thai, thai nhi bị chết nhưng chưa thoát ra ngoài được nên mới bị bệnh.”

Lý tướng quân nghe Hoa Đà chẩn đoán như vậy liền nói: “Trong thời gian mang thai, quả thực phu nhân tôi đã bị thương, nhưng mà thai nhi thì đã thoát ra ngoài rồi.”

Hoa Đà vẫn kiên trì nói: “Từ mạch đập mà chẩn đoán thì thai nhi vẫn là chưa thoát ra ngoài.”

Lý tướng quân vẫn một mực khăng khăng cho rằng lời Hoa Đà nói là không đúng.

Một trăm ngày sau, bệnh tình của vợ Lý tướng quân chuyển sang trầm trọng hơn. Lý tướng quân lại cho người mời Hoa Đà đến khám bệnh.

Sau khi bắt mạch một lúc, Hoa Đà nói: “Mạch vẫn như lúc trước, vốn là do lần đầu tiên phu nhân mang song thai, nhưng sinh non nên bị mất quá nhiều máu. Cũng vì thế mà thai sau, phu nhân cũng không sinh ra được. Hiện giờ thai nhi này đã chết mà không thoát ra ngoài.”

Sau khi chẩn đoán xong, Hoa Đà châm cứu cho vợ của Lý tướng quân, đồng thời cho bà uống thuốc. Một lát sau, vợ của Lý tướng quân đau đẻ nhưng lại không sinh ra được. Hoa Đà bèn nói: “Đây là thai nhi đã bị chết và khô rồi cho nên không thể sinh tự nhiên ra được, mà phải dựa vào cách nhờ người lấy ra.” 

Sau đó, một người phụ nữ khác đã làm theo cách chỉ bảo của Hoa Đà và lấy ra được thai nhi kia. Vợ của Lý tướng quân nhờ đó mà phục hồi được sức khỏe.

Hoa Đà bởi vì có y thuật cao siêu nên danh tiếng lan xa. Tào Tháo là người cùng quê với Hoa Đà, khi ấy thường hay bị căn bệnh đau đầu quái lạ hành hạ, dù đã rất nhiều lần mời thầy thuốc giỏi về chữa trị nhưng cũng không khỏi. Sau khi nghe danh tiếng về y thuật cao siêu của Hoa Đà nên đã cho mời ông về trị bệnh. Hoa Đà chỉ châm một kim thì bệnh đau đầu của Tào Tháo đã biến mất.

Tào Tháo sợ bệnh đau đầu của mình lại tái phát nên đã ép Hoa Đà phải ở lại Hứa Xương để chữa bệnh cho mình và cấp cho Hoa Đà một người hầu.

Nhưng Hoa Đà bản tính thanh cao, không muốn bị ràng buộc vào công danh lợi lộc, cũng không muốn làm một thầy y chỉ phục vụ cho một người mà muốn trị bệnh cho dân chúng. Vì thế, Hoa Đà liền từ chối, nói rằng muốn trở về quê để tìm thuốc. Nhưng từ khi đi, Hoa Đà không quay trở lại nữa.

Tào Tháo nhiều lần viết thư yêu cầu ông quay trở lại, cũng đồng thời phái quan lại địa phương đến tận nơi thúc ép nhưng Hoa Đà vẫn một mực từ chối. Ông còn nói rằng vợ đang bị bệnh nặng, không thể trở lại bên Tào Tháo để từ chối.

Tào Tháo vì thế mà giận dữ, phái người đặc biệt đến nhà Hoa Đà điều tra. Tào Tháo nói rằng: “Nếu như vợ của Hoa Đà thực sự bị bệnh, thì hãy cấp cho họ 400 đấu đậu đỏ và gia hạn thêm thời gian, còn nếu như là giả dối thì bắt về trị tội.”

Không lâu sau, Hoa Đà bị dẫn về Hứa Xương trị bệnh cho Tào Tháo. Lúc ấy Tào Tháo đang giữ chức thừa tướng. Lần này, sau khi chẩn đoán bệnh xong, Hoa Đà đã nói: “Bệnh của thừa tướng lúc này thực sự đã rất nghiêm trọng, không thể châm cứu là có thể khỏi được. Tôi nghĩ, trước tiên ngài cần uống ma phí tán, sau đó phải mổ đầu thì mới trị được hết bệnh này.”

Tào Tháo vừa nghe những lời này của Hoa Đà thì giận dữ, chỉ tay và Hoa Đà, lớn tiếng trách mắng: “Đầu mổ ra rồi, người còn có thể sống sao?”

Tào Tháo không tin lời Hoa Đà, cho rằng Hoa Đà muốn âm mưu hại mình nên đã ra lệnh bắt giam Hoa Đà lại chờ xử tử. Trước khi chết, Hoa Đà đã ở trong ngục, chỉnh lý lại cuốn sách y học “Thanh nang kinh”, giao cho người đứng đầu nhà tù và nói: “Cuốn sách này truyền lại cho đời sau, có thể cứu được muôn dân trăm họ trong thiên hạ.” Nhưng người này vì quá sợ hãi nên một mực từ chối, không dám nhận.

Về sau, khi Tào Tháo bị bệnh, lại tìm đến Hoa Đà thì Hoa Đà đã chết rồi. Cuối cùng Tào Tháo cũng vì bệnh này mà chết.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: